Trường hợp của nam sinh Hoàng Đường Hồng là một ví dụ về bạo lực học đường khiến dư luận Trung Quốc bất bình thời gian qua. Vào đêm trước kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông tại tỉnh Phúc Kiến hồi tháng 6, Hoàng bị 3 bạn học đánh đập dã man ở trường nhưng không nói cho người nhà biết. Mọi chuyện chỉ vỡ lở khi Hoàng phải nhập viện vì vết thương trong lúc tham dự kỳ thi ngày hôm sau.
Nhà trường bất lực
Chính quyền địa phương và nhà trường vẫn không có bất kỳ phản ứng nào trước chuyện Hoàng thường xuyên bị bắt nạt trong vài năm qua cho đến khi Hoàng Gia Tân, anh họ của Hoàng Đường Hồng, công khai những bức ảnh em mình nằm viện lên truyền thông xã hội để đòi công lý. Hoàng Gia Tân nói với đài CNN rằng nhà trường đã không thể bảo vệ được học sinh ngay chính trong khuôn viên trường học.
Ngoài vụ việc của Hoàng Đường Hồng, ít nhất 30 trường hợp bắt nạt nghiêm trọng được truyền thông Trung Quốc đưa tin trong 9 tháng qua. Trước đó, theo một nghiên cứu được tiến hành tại 4 thành phố ở tỉnh Quảng Đông vào năm 2012, khoảng 21% học sinh trung học liên quan đến các vụ bắt nạt - là kẻ bắt nạt, nạn nhân hoặc cả hai. Trong hầu hết trường hợp bắt nạt, nhà trường chỉ răn đe học sinh liên quan bằng cách hạ hạnh kiểm.
Thêm vào đó, luật pháp Trung Quốc quy định người dưới 16 tuổi không phải đối mặt sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật, trừ những trường hợp phạm trọng tội, Vì lẽ đó, 3 học sinh bắt nạt nói trên cũng nhanh chóng được cảnh sát trả tự do sau khi cha mẹ họ đồng ý bồi thường cho gia đình Hoàng Đường Hồng 33.000 USD.
Chuyện của học sinh này chỉ vừa lắng xuống thì một đoạn video 3 phút quay lại cảnh 4 nữ sinh từ 12-14 tuổi đánh hội đồng một học sinh nữ khác được phát tán trên mạng hồi tháng 10 qua. Nguyên nhân vụ ẩu đả bắt nguồn từ một cuộc cãi vã cách đó vài tuần. Trước thực trạng trên, Cục Quản lý mạng Trung Quốc cấm các trang web đăng tải những video bạo lực hoặc khiêu dâm, bao gồm bắt nạt học đường như biện pháp bảo vệ học sinh.
Lỗi do người lớn?
Có một vài yếu tố gắn liền với tình trạng bắt nạt tại học đường Trung Quốc, như áp lực từ bạn bè, gia đình đổ vỡ, cảm giác bất an và lên mạng ngày càng nhiều. Bà Lưu Triều Anh, một chuyên gia tư vấn tâm lý ở Bắc Kinh, cho biết các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn đối với những học sinh bắt nạt sẽ không giải quyết được gốc rễ của vấn đề.
Cách đối phó hiệu quả hơn là lập dịch vụ tư vấn tâm lý cho học sinh tại nhà trường nhưng cái khó ở đây là nguồn nhân lực còn hạn chế. Bà Lưu cho biết nhiều học sinh bắt nạt và bị bắt nạt không thường xuyên trò chuyện cởi mở với cha mẹ nên gặp khó khi đối mặt những cảm xúc tiêu cực. “Bọn trẻ ở độ tuổi này có thể phản ứng với những điều nhỏ nhặt nhất bằng hành vi bạo lực mà không nhất thiết phải nghĩ đến hậu quả” - chuyên gia này nhận định.
Vì thế, bà Lưu thúc giục phụ huynh và nhà trường cần phối hợp để giải quyết thực trạng trên bởi chúng phản ánh những vấn đề xã hội sâu rộng ở Trung Quốc. Khoảng 1/5 trẻ em ở Trung Quốc có cha/mẹ hoặc cả hai là lao động nhập cư làm việc xa nhà. Do đó, nhiều trường hợp học sinh bắt nạt và bị bắt nạt, như Hoàng Đường Hồng, ít khi gặp mặt cha mẹ họ chứ đừng nói đến việc trò chuyện hằng ngày. “Các bậc cha mẹ nên dành đủ thời gian cho con cái và thực hiện nghiêm túc trách nhiệm nuôi dưỡng chúng” - bà Lưu gợi ý.
Bình luận (0)