Siêu bão mạnh nhất từ đầu năm tới nay quét qua miền Bắc Philippines với gió giật mạnh 260 km/giờ, kèm theo mưa lớn gây lũ lụt, lở đất và mất điện trên diện rộng.
Những hình ảnh lột tả sự tàn phá sau khi Mungkhut đi qua ở Philippines cho thấy cảnh tượng mùa màng tan hoang, đường phố biến thành sông, nhà cửa đổ nát và hàng ngàn người phải sơ tán tới các khu trú tạm.
Siêu bão Mangkhut gây lũ lụt tại TP Baguio. Ảnh: Reuters
Siêu bão Mangkhut đã hoành hành hơn 20 giờ trên đảo Luzon - Philippines hôm 15-9. Ông Francis Tolentino, cố vấn của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, cho biết ít nhất 14 người đã thiệt mạng tới thời điểm hiện tại.
Được biết tới với cái tên địa phương là Ompong, siêu bão Mangkhut có lúc kèm theo gió mạnh lên tới 305km/giờ sau khi tấn công Philippines đang trên đường hướng về phía Nam Trung Quốc và Việt Nam với sức gió có phần giảm xuống, ở mức 170km/giờ.
Giới chức cơ quan xử lý thảm họa của Philippines nói rằng vẫn chưa hoàn tất đánh giá mức độ thiệt hại từ Mangkhut - cơn bão thứ 15 và là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào nước này trong năm nay.
Nhà cửa bị thổi sập trong siêu bão Mangkhut. Ảnh: Reuters
Nhà cửa bị thổi sập trong siêu bão Mangkhut. Ảnh: Reuters
Ông Rogelio Sending – quan chức chính quyền ở Tuguegarao (thủ phủ tỉnh Cagayan), nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở miền Bắc Philippines - cho biết: "Gần như tất cả nhà cửa ở đây đều bị phá hủy, nóc nhà thậm chí bị thổi bay".
"Chúng tôi nhận được những phản ánh rằng nhiều cây cối ở địa phương bị bật gốc, nhiều cột điện bị đổ chắn ngang đường. Điều đó khiến chiến dịch dọn dẹp sau bão thực sự gặp nhiều khó khăn".
Trong khi đó, báo The South China Morning Post đưa tin hai nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc nằm trên đường đi dự kiến của siêu bão Mangkhut – vốn được dự báo sẽ gây lở đất ở Trung Quốc đại lục vào chiều 16-9.
Nhà máy điện hạt nhân Taishan và Nhà máy điện hạt nhân Yangjiang – cả hai đều nằm ở tỉnh Quảng Đông - nói rằng họ đang ở trong trạng thái "sẵn sàng chiến đấu" khi siêu bão tới gần.
Giới chức nhà máy Taishan cho biết qua WeChat rằng họ đã thảo luận cách tốt nhất để xử lý với cơn bão và các nhân viên chuyên môn đã tiến hành điều tra an toàn. Đội phản ứng nhanh cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng cho cơn bão.
Các nhân viên cứu hộ đang dọn dẹp con đường chính trên đảo Luzon bị bão phá hủy. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, công nhân tại nhà máy Yangjiang trước đó đã tiến hành các biện pháp chuẩn bị đối phó bão cho toàn bộ 5 cơ sở phát điện cũng một cơ sở thứ 6 đang được xay dựng của nhà máy này, mỗi cơ sở có công suất 1.086 megawatt.
Nhà máy cho biết đã tiến hành kiểm tra tất cả các cơ sở phát điện sáng 12-9 và tổ chức một cuộc họp hôm 13-9 để thảo luận về cách tốt nhất đối phó với cơn bão.
Lãnh đạo nhà máy, ông Chen Weizhong nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gia cố cửa ra vào và tăng cường giám sát các lò phản ứng trong thời gian bão quét ngang khu vực để hạn chế tối đa rủi ro.
"Toàn bộ các phòng ban của nhà máy đều nhận thức rõ tầm quan trọng của công việc, tuân thủ nghiêm ngặt mọi tiêu chuẩn về an toàn, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa tai nạn"- ông cho biết.
Việc bão lớn quật ngã một nhà máy điện hạt nhân sẽ gây hậu quả khôn lường. Bài học tới nay vẫn còn nhức nhối là trường hợp thảm họa Fukushima ở Nhật Bản khi 3 lò phản ứng hạt nhân bị hư hại sau trận động đất – sóng thần năm 2011 gây hậu quả nặng nề.
Bình luận (0)