Theo tờ Politio, đại dịch Covid-19 đã lan rộng ra nhiều nước trên khắp thế giới ở những thời điểm khác nhau và mỗi nước có cách phản ứng riêng tùy thuộc vào hệ thống y tế, chính trị và kinh tế.
Bảng đánh giá này dựa trên việc thống kê những điểm mấu chốt của các nước như tình trạng lây nhiễm, số ca tử vong, tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tỉ lệ thất nghiệp cũng như biện pháp chống dịch của chính phủ. Dù có một số điểm sáng nhưng gần như tất cả các nước đều có bức tranh tổng quan phức tạp.
Trong số 30 nước, Việt Nam được tờ Politico đánh giá là nước chống Covid-19 thành công hàng đầu trên thế giới khi chỉ có 325 ca nhiễm, 0 ca tử vong trên khoảng 95 triệu dân tính đến sáng 24-5 (giờ Việt Nam). Theo dự báo, GDP của Việt Nam vẫn sẽ tăng 2,7% vào năm 2020.
Tờ Politico của Mỹ đánh giá Việt Nam là nước chống Covid-19 thành công nhất thế giới. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Đức có chỉ số lên xuống thất thường nhưng kết quả chung tương đối xấu. Nền kinh tế của nước này đang đi xuống dù tỉ lệ tử vong khá thấp so với các nước láng giềng nhờ đẩy nhanh các kết quả xét nghiệm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe phát triển.
Một số quốc gia thực hiện các kết quả xét nghiệm rộng rãi như Bỉ và Iceland. New Zealand và Thụy Sĩ có những cách xử lý trái ngược để hạn chế hoạt động của người dân và dù kết quả y tế rất khác nhau nhưng sự suy thoái kinh tế lại gần như giống hệt nhau.
Nhiều quốc gia có chỉ số GDP tương đương nhưng lại khác biệt rất lớn về tỉ lệ thất nghiệp, ví dụ như Mỹ, Anh và Nhật Bản. Ấn Độ cố gắng tránh để hệ thống y tế quá tải bằng lệnh phong tỏa sâu rộng nhất thế giới nhưng hậu quả là kinh tế thu hẹp đến 45% trong quý này.
Trong khi đó, Đài Loan gần như đã làm tất cả mọi thứ trong khả năng để ứng phó với cuộc khủng hoảng y tế nhưng không thể thoát khỏi thực tế rằng 70% GDP của họ nằm trong những ngành xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nhất.
Tính đến ngày 23-5, số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu đã vượt mốc 5 triệu ca ngay sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận kỷ lục số ca nhiễm mới trong 1 ngày, hơn 106.000 ca, vào ngày 20-5. Tiến sĩ Mike Ryan, người đứng đầu chương trình khẩn cấp của WHO, gọi đây là "cột mốc bi kịch". Toàn thế giới đã có 343,982 người tử vong vì Covid-19 tính đến sáng 24-5 (giờ Việt Nam).
Bình luận (0)