Các công ty Mỹ lâm vào cảnh phá sản với tốc độ nhanh nhất trong 10 năm qua trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục gây ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực kinh tế.
Covid-19 chặn đường sống của doanh nghiệp
Theo báo cáo của trang dữ liệu doanh nghiệp phá sản BankruptcyData.com, 46 công ty có tài sản ít nhất 1 tỉ USD đã nộp đơn phá sản theo chương 11 của Luật Phá sản Mỹ tính đến giữa tháng 8. Con số cao kỷ lục này đã vượt qua con số 38 công ty có giá trị tỉ USD nộp đơn phá sản trong cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2009 và cao hơn mức 18 công ty nộp đơn xin phá sản trong cùng kỳ năm ngoái. Tờ Financial Times đưa tin 157 công ty nợ ít nhất 50 triệu USD đã nộp đơn phá sản tại Mỹ trong năm nay, gồm 24 nhà bán lẻ lớn như JCPenney, Brooks Brothers và Neiman Marcus.
Các công ty dầu khí lớn cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng. 33 công ty dầu khí nộp đơn phá sản trong năm nay, gồm Chesapeake Energy, Whiting Petroleum và Diamond Offshore Drilling... Theo báo cáo của Công ty Tư vấn và Nghiên cứu thị trường BofA Global Research, tổng nợ của các doanh nghiệp Mỹ, dưới hình thức trái phiếu hoặc khoản vay, đang ở mức cao kỷ lục 10.500 tỉ USD, tăng gấp 30 lần so với mức tương ứng cách đây khoảng nửa thế kỷ.
Một cửa hàng treo bảng thông báo giảm giá vì sắp ngừng hoạt động ở TP New York - Mỹ hôm 25-8 .Ảnh: REUTERS
Ông Ben Schlafman, Giám đốc điều hành của New Generation Research - công ty sở hữu BankruptcyData.com, nhận định: "Đây là thời kỳ đầy khó khăn. Chúng ta đang ở thời điểm đầu của chu kỳ phá sản này. Nó sẽ lan rộng khắp các ngành công nghiệp khi chúng ta lún sâu hơn vào cuộc khủng hoảng". Theo nghiên cứu của Công ty Bảo hiểm Euler Hermes (Pháp), Mỹ sẽ là quốc gia có tỉ lệ phá sản cao nhất, tăng 57% vào năm 2021 so với năm 2019. Bên cạnh đó, các quốc gia như Brazil, Anh, Tây Ban Nha và Trung Quốc có tỉ lệ lần lượt là 45%, 43%, 41% và 20%.
Báo cáo của Euler Hermes cảnh báo dịch Covid-19 đang tạo ra một "quả bom hẹn giờ" về mất khả năng thanh toán đối với doanh nghiệp, ước tính số công ty phá sản từ năm 2019 đến 2021 sẽ tăng 35%. Trước đó, hơn 460.000 doanh nghiệp Trung Quốc đóng cửa vĩnh viễn trong quý I/2020. Hơn một nửa trong số đó hoạt động chưa đến 3 năm. Theo Tianyacha, hệ thống cơ sở dữ liệu thương mại chuyên thống kê số liệu công khai, trong số đó có 26.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu. Trong khi đó, Pháp có nguy cơ đón "làn sóng" doanh nghiệp phá sản kể từ tháng 9 khi các biện pháp khẩn cấp mà chính phủ đã liên tục duy trì để hỗ trợ doanh nghiệp hết hiệu lực.
Ồ ạt "gồng" lỗ
Trong bối cảnh chịu tác động kinh tế nặng nề từ đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp chọn cách ngừng hoạt động ở thị trường nước ngoài để bảo đảm sự sống còn trong nước. Đó là quyết định của Muji U.S.A Ltd., công ty thuộc sở hữu của Tập đoàn bán lẻ Ryohin Keikaku (Nhật Bản), khi nộp hồ sơ xin phá sản tại bang Delaware - Mỹ. Theo hãng tin Bloomberg hồi tháng 7, công ty này có tổng tài sản và nợ trong khoảng 50-100 triệu USD và số chủ nợ từ 200-999.
Tập đoàn Ryohin Keikaku cho hay 18 cửa hàng của Muji tại Mỹ đã phải đóng cửa từ giữa tháng 3 do đại dịch và các cửa hàng tại Mỹ hoạt động không có lời nhưng phải chịu chi phí hoạt động cao, làm tăng chi phí. Thị trường chính của Muji tại Nhật Bản cũng chịu lỗ vì cửa hàng đồng loạt đóng cửa do lệnh phong tỏa khiến doanh thu giảm mạnh.
Trong khi đó, cầm cự chưa hẳn là biện pháp hiệu quả trong ngành công nghiệp hàng không bởi khả năng cao là các hãng hàng không sẽ không thể hoạt động 100% trong năm nay. Ảnh hưởng cũng kéo dài đến năm 2021 và 2022 với nợ tăng và thu nhập giảm. Trên lý thuyết, hầu hết hãng hàng không đều đủ tiền để duy trì trong năm tới nhưng các hãng sẽ không đợi đến khi cạn tiền mới nộp đơn phá sản.
Ông Philip Baggaley, Giám đốc quản lý Công ty S&P Global Ratings (Mỹ), nhận định với đài CNN nếu tiền mặt bị thiếu hụt, tương lai phục hồi ngành hàng không vẫn ảm đạm, các hãng hàng không sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tuyên bố phá sản. Theo ông Baggaley, cũng không thể kỳ vọng vào làn sóng sáp nhập trong ngành hàng không bởi biện pháp này không thể giải quyết được vấn đề cơ bản là nhu cầu bay quá thấp.
Sự sụp đổ của hãng hàng không đầu tiên tại khu vực châu Á Virgin Australia (Úc) hồi tháng 4 cho thấy các hãng hàng không yếu nhất trên thế giới không còn nhiều thời gian để tự cứu mình trước khi phá sản vì dịch Covid-19. Trước đó, Virgin Australia từng đề nghị chính phủ Úc cho vay để sống sót qua khủng hoảng nhưng bị từ chối.
Ngoài Virgin Australia, nhiều hãng bay khác cũng chật vật xin sự hỗ trợ từ chính phủ. Sau khi nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào đầu tháng 8, hãng hàng không Virgin Atlantic Airways (Anh) hôm 2-9 cho biết hãng này đã được tòa án chấp thuận gói giải cứu trị giá khoảng 1,6 tỉ USD, giúp duy trì hoạt động trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây thiệt hại cho ngành công nghiệp hàng không toàn cầu. Dù vậy, hãng hàng không này cũng không thể chắc chắn sẽ khôi phục hoạt động trở lại mức trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19 từ nay đến năm 2023.
Trong khi đó, Hãng Hàng không Norwegian Air Shuttle (Na Uy) - hãng hàng không giá rẻ lớn thứ 4 châu Âu - hôm 28-8 kêu gọi thêm một gói giải cứu kinh tế khác chỉ vài tháng sau khi được chính phủ hỗ trợ xử lý nợ xấu thành vốn góp. Hôm 30-6, Aeromexico - một trong những hãng hàng không lớn nhất Mexico - đã thông báo nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ. Trước Aeromexico, 2 hãng hàng không lớn khác trong khu vực Mỹ Latin là LATAM (liên doanh giữa Chile và Brazil) và Avianca của Colombia cũng đã thông báo phá sản tại Mỹ hồi tháng 5-2020.
Kỳ tới: Thất nghiệp lan rộng toàn cầu
Bình luận (0)