Nhược điểm chung của điện thoại di động (ĐTDĐ) bảo mật dành cho nguyên thủ quốc gia và các bộ trưởng là thao tác phức tạp, đường truyền chậm và kiểu dáng không hấp dẫn bằng các loại đời mới. Chiếc điện thoại Teorem của Tổng thống Pháp Francois Hollande chẳng hạn, phải mất đến 30 giây mới thực hiện được cuộc gọi. Trong thời buổi thông tin nhanh như chớp, điều này đối với Tổng thống Hollande là một cực hình bởi ông là dân công nghệ cao.
Trót nghiện tin nhắn SMS
Ông Hollande có thói quen bàn luận công việc của chính phủ với các bộ trưởng bằng tin nhắn SMS, hiếm khi dùng chiếc Teorem. Đây là “bí mật ai cũng biết” ở Điện Élysée (Phủ Tổng thống Pháp).
Theo nhật báo L’Opinion, Tổng thống Hollande thường kêu gọi các bộ trưởng trao đổi công việc với ông bằng tin nhắn. Dĩ nhiên, đây là cách làm không an toàn nhưng ông Hollande đã trót nghiện tin nhắn. Phóng viên của L’Opinion từng chứng kiến một thành viên chính phủ hỏi tổng thống qua ĐTDĐ những vấn đề chính trị nhạy cảm và nhận được câu trả lời ngay, cũng bằng ĐTDĐ, “trong vòng 1 phút”.
Tổng thống Hollande không phải là người duy nhất lơ là với chiếc Teorem. Người tiền nhiệm của ông là Nicolas Sarkozy cũng từng “phụ bạc” chiếc Teorem mà mình là vị tổng thống đầu tiên được cấp ĐTDĐ “bảo mật siêu cấp” này năm 2011. Trong túi ông Sarkozy luôn có một “chú dế” khác. Giờ ông Hollande cũng vậy, thích thú với chiếc iPhone hơn - vốn là “vật bất ly thân” trước khi bước vào Điện Élysée.
Ý thức chuyện bảo mật là một vấn đề dễ hiểu nhưng khó thực hiện. Một quan chức Phủ Thủ tướng Pháp xác nhận trên tờ L’Opinion: “Ngoài các bộ Quốc phòng, Tư pháp và Ngoại giao, tôi không tin quan chức các bộ khác quan tâm đến chuyện bị theo dõi từ xa”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel mỗi ngày nhắn 100 tin Ảnh: DPA
Bên Đức, nữ Thủ tướng Angela Merkel cũng nghiện SMS không thua gì ông Hollande. Truyền thông Đức cho biết bà Merkel có thói quen “mỗi ngày gửi đi khoảng 100 tin nhắn”. Hẳn nhiên, Thủ tướng Đức không biết chuyện Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã kê số điện thoại của bà vào danh sách theo dõi đặc biệt từ năm 2002. Bà Merkel giờ đã khác nhưng thói quen thì không thể bỏ ngay.
Tình hình tương tự cũng xảy ra ở nhiều nước. Theo ông Robert Avril, nhà sáng lập Cryto France, công ty tiên phong trong việc bán ĐTDĐ bảo mật từ năm 2008, đó là tâm lý chung của khách hàng - từ quan chức nhà nước đến CEO các tập đoàn thương mại lớn và ngân hàng. Trong túi họ luôn có 2-3 chiếc ĐTDĐ, hầu hết là iPhone hoặc BlackBerry. Riêng nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra có đến 5 ĐTDĐ, trong đó có chiếc Lumia 920 màu trắng - theo trang tin Techweb của Trung Quốc.
Lãnh đạo Nam Mỹ thận trọng, cảnh giác
Sau khi cựu nhân viên NSA Edward Snowden tiết lộ chương trình theo dõi người dân Mỹ và nghe lén điện thoại của ít nhất 35 nguyên thủ quốc gia, các nhà lãnh đạo Nam Mỹ tỏ ra có ý thức nhất.
Trước những thông tin cho biết cựu tổng thống Mexico Felipe Calderon bị NSA theo dõi, nghe lén điện thoại, đương kim Tổng thống Enrique Pena Nieto rất thận trọng trong việc dùng ĐTDĐ gửi email nhắn tin hay vào các mạng xã hội như Facebook, Twitter... Hiếm thấy ông sử dụng ĐTDĐ khi xuất hiện trước công chúng.
Ngoài chuyện cảnh giác NSA, Tổng thống Nieto có một trải nghiệm cay đắng về internet. Năm 2011, Paulina, con gái ông, dùng Twitter gọi những người chỉ trích cha cô là “lũ ngu ngốc”. Việc này gây sốc trong dư luận xã hội. Ông Nieto nhanh chóng “chữa cháy” bằng cách lên đài truyền hình xin lỗi người dân, đồng thời cô Paulina cũng lên tiếng xin lỗi.
Xì-căng-đan NSA cũng khiến ông Rafael Correa, Tổng thống Ecuador, hạn chế dùng ĐTDĐ. Andres Michelena, người phát ngôn của Tổng thống Correa, từ chối cung cấp thông tin chi tiết cho báo chí về chuyện này, viện cớ “vấn đề tế nhị”.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra xài 5 ĐTDĐ Ảnh: BLOOMBERG
Ông Correa từng mời Snowden từ Moscow - Nga đến Ecuador tị nạn. Tổng thống Correa cũng từng chứa chấp ông Julian Assange, nhà sáng lập trang web WikiLeaks tiết lộ bí mật ngoại giao Mỹ, trong tòa đại sứ Ecuador tại London - Anh hơn một năm. Ecuador cũng tuyên bố sẽ cùng với Brazil thiết lập hạ tầng cơ sở internet độc lập với Mỹ để tránh né con mắt cú vọ của tình báo nước này.
Tại Bolivia, Tổng thống Evo Morales vẫn dùng ĐTDĐ nhưng không xài email nữa. Sau khi đăng quang năm 2006, Morales phát hiện máy nghe lén trong phòng làm việc của ông và nghi ngờ thủ phạm là người Mỹ. Hai năm sau, ông trục xuất đại sứ Mỹ và nhân viên cơ quan bài trừ ma túy nước này vì xúi giục phe đối lập làm loạn.
Tháng 7 vừa qua, quan hệ Mỹ - Bolivia càng thêm căng thẳng khi chiếc chuyên cơ của Tổng thống Morales bay từ Nga về nước bị ép đáp xuống sân bay Vienna - thủ đô Áo, do nghi ngờ chở Snowden đến Bolivia. Một số lãnh đạo bạn bè của Morales cho hay Mỹ đã đọc lén email của ông. Từ đó, ông ngừng sử dụng email.
Khó cản NSA
Thứ gì được mã hóa đều có thể bị giải mã, đây là nhận định chung của giới chuyên môn về bảo mật. Erich Schmidt - Eeboom, cựu chuyên viên mật vụ Đức nổi tiếng, cho biết công nghệ bảo mật thông tin liên lạc trong chính phủ do Văn phòng Liên bang Bảo an thông tin (BSI) đảm nhiệm từ thủ tướng đến bộ trưởng và thủ trưởng những cơ quan ngang bộ. Tuy nhiên, các chuyên gia tin học ở Đức đều có chung nhận xét hầu như không thể tự vệ trước công nghệ giải mật của NSA. Ông Schmidt - Eeboom nhấn mạnh: “Một khi họ muốn bẻ khóa ở bất cứ đâu thì không gì ngăn cản được”.
Cuộc chạy đua giữa các chuyên gia mã hóa và giải mã diễn ra từ đầu thế kỷ XX và phần thắng hiện nằm trong tay các chuyên gia giải mã. Trường hợp của NSA là một ví dụ. Ngay cả mạng cáp ngầm dưới biển được coi là an toàn gần như tuyệt đối nhưng theo tiết lộ của Snowden, NSA cũng có thể đột nhập ăn cắp thông tin. |
Bình luận (0)