Là biên tập viên kiêm họa sĩ trụ cột, ông Charbonnier từ lâu được coi là một phần linh hồn của Charlie Hebdo - tờ báo trở thành biểu tượng của tự do ngôn luận ở Pháp. Cảnh sát cho biết khi xông vào giữa cuộc họp tòa soạn, các tay súng máu lạnh hét lên: “Tên Charb ở đâu?”. Charb là bút danh của Charbonnier.
Hơn ai hết, nhà báo 47 tuổi này hiểu rõ mối nguy hiểm mà mình và các đồng nghiệp phải đối mặt. Ông bị liệt vào danh sách truy nã của Al-Qaeda từ năm 2012 và từng nhiều lần bị đe dọa lấy mạng vì đăng tranh biếm chế giễu Hồi giáo cực đoan. Ông phải sống trong sự bảo vệ của cảnh sát kể từ năm 2012. Một cảnh sát chịu trách nhiệm bảo vệ Charbonnier cũng thiệt mạng hôm 7-1.
Theo báo giới địa phương, không nghi ngờ khả năng Charb là mục tiêu chính của vụ tấn công. “Thần chết” ít nhất đã một lần viếng thăm ông vào năm 2011 khi bức biếm họa nhà tiên tri Mohammed đăng tải trên Charlie Hebdo với chú thích “phạt 100 roi nếu bạn không chết vì cười”. Số báo bán được tới 400.000 bản nhưng văn phòng tờ báo bị thiêu rụi. Lời cảnh báo rùng rợn đó không làm Charb chùn bước. Những biếm họa táo bạo hơn, thậm chí còn có bức nhà tiên tri Mohammed không mảnh vải che thân, vẫn tiếp tục xuất hiện trên bìa Charlie Hebdo hồi năm 2012 bất chấp chính phủ Pháp kêu gọi tuần báo này kiềm chế. Khi đó cảnh sát chống bạo động được triển khai tại văn phòng Charlie Hebdo trong khi Paris phải tạm đóng cửa hàng loạt cơ quan ngoại giao và trường học Pháp ở 20 quốc gia, chủ yếu là các nước Hồi giáo, do lo ngại bạo lực. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius lúc bấy giờ không khỏi thảng thốt: “Đổ dầu vào lửa có phải là hành động hợp lý hay thông minh không?”.
Mặc dù Charlie Hebdo vẫn bị giằng co giữa hai làn quan điểm - một coi đó là nỗ lực phi thường nhằm bảo vệ tự do ngôn luận, báo chí; một chỉ trích đó là hành vi khiêu khích tôn giáo và chủng tộc không cần thiết và nguy hiểm - nhưng tờ báo vẫn quyết liệt bảo vệ con đường đã chọn. Chia sẻ với ABC News trong cuộc phỏng vấn năm 2012, Charb nói: “Tôi thà chết còn hơn sống như lũ chuột… chết đứng còn hơn sống quỳ”. Bức tranh biếm cuối cùng của Charb trên Charlie Hebdo dường như đã dự cảm cái chết của chính mình. Bức tranh khắc họa hình ảnh một tay súng khủng bố với lời thoại: “Vẫn không có vụ tấn công nào ở Pháp… Cứ chờ đó, chúng ta vẫn còn đến cuối tháng 1 để đưa ra lời chúc năm mới”.
Bình luận (0)