Các cử tri Anh đã khiến nhiều nhà quan sát bị sốc khi 52% trong số họ bỏ phiếu lựa chọn "dứt áo" rời Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6-2016. Tuy nhiên, bỏ phiếu mới chỉ là phần dễ. Một quốc gia rời EU là điều chưa có tiền lệ và những chi tiết của sự ra đi này, được gọi là Brexit, thật hỗn độn và bấp bênh.
Trong khi hành trình này không diễn ra tức thì, Thủ tướng Anh Theresa May đã kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon, khởi động tiến trình kêu gọi Brexit diễn ra vào tháng 3-2019. Đó là một quyết định sai lầm. Nó sẽ làm suy yếu vai trò quan trọng của Anh tại châu Âu và gây tổn thương đến nước này về mặt kinh tế.
Đa số cử tri Anh ủng hộ rời khỏi châu Âu bởi họ muốn lấy lại chủ quyền, tăng cường kiểm soát với vấn đề nhập cư và chấm dứt dòng người lao động từ các nước EU đổ tự do vào Anh quốc. Chưa rõ người dân nước này thực sự mong mỏi điều gì xảy ra phía trước; liệu họ có đang hy vọng bước chân ra khỏi EU hoặc kỳ vọng một mối quan hệ mới giữa hai bên hay không?
Tình cảnh nước Anh dễ tạo ra cảm giác nước này đang lạc lối và các chính khách phải vật lộn với những hệ quả của Brexit. Nhưng các cử tri đã cất lên tiếng nói của mình và trong một xã hội dân chủ, những lãnh đạo được bầu chọn khó có thể không thuận ý cử tri. Cả hai chính đảng lớn - Bảo thủ và Công đảng - đều chấp nhận kết quả trưng cầu dân ý và nói rằng họ sẽ thực thi tiến trình rời EU.
Hiện diễn ra các cuộc thảo luận về một giai đoạn chuyển tiếp, tức không rạch ròi chuyện ra đi vào năm 2019 mà duy trì một mối quan hệ trong 2-3 năm nữa.
Thủ tướng Anh Theresa May và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk dự cuộc họp tại hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu tại Brussels (Bỉ) hôm 20-10 Ảnh: REUTERS
EU đang có ý đưa ra những điều khoản khắc nghiệt cho cuộc "ly hôn", trong đó các bên có 2 năm để thương thảo. Ưu tiên của khối này tất nhiên là bảo đảm sự ổn định của 27 quốc gia thành viên ở lại. Họ không muốn một thành viên ra đi mà không phải trả giá.
Sau năm vòng đàm phán, các bên chưa đạt được tiến triển đáng kể nào. Trưởng đoàn đàm phán của EU gần đây tuyên bố hai bên đang bế tắc quanh những vấn đề như thanh toán các khoản nợ của nước Anh trong tư cách thành viên EU, quyền của công dân qua biên giới để định cư ở Anh hoặc châu Âu, biên giới của Ireland và Bắc Ireland. Đây có thể là cuộc đàm phán quan trọng nhất mà nước Anh tham gia kể từ cuối Thế chiến II. Ngay cả chuyện bên nào đi trước cũng bế tắc: Giới chức Anh muốn EU đưa ra những nhượng bộ trong khi EU nói rằng quả bóng đang ở phần sân của nước Anh.
Dù chuyện gì xảy ra, Brexit cũng sẽ tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế Anh và thu nhập của công dân nước này. Nó sẽ tước bỏ sự tiếp cận độc quyền vào thị trường chung lớn nhất thế giới và khiến GDP của Anh sụt giảm đáng kể về lâu dài. Ước tính thu nhập thường niên của hộ gia đình nước này thiệt hại trung bình từ 1.000-6.500 USD. Cộng đồng doanh nghiệp trong nước đang ngày càng lo lắng khi Brexit tới gần.
Vấn đề này cũng đang chia rẽ các chính đảng lớn ở Anh. Những cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy số người Anh cho rằng rời khỏi EU là sai lầm nhiều hơn những người tin rằng đó là lựa chọn tốt. Tuy nhiên, không phải tất cả nguy cơ tài chính hoặc đe dọa sự ổn định đều trút lên đầu nước Anh. EU cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Nếu Brexit truyền được cảm hứng cho những nước khác theo chân Anh, EU có thể lao đao và nền kinh tế châu lục khó tránh khỏi suy yếu. Mỹ cũng có thể chứng kiến hậu quả khi EU là đối tác thương mại lớn nhất của nước này.
Khi còn là ứng viên tổng thống, ông Donald Trump đã ca ngợi cuộc bỏ phiếu Brexit, vốn khai thác nỗi lo về chủ quyền và chủ nghĩa dân tộc - những vấn đề thúc đẩy nhiều cử tri ủng hộ ông. Giờ đây, trên cương vị tổng thống, ông không đề cập nhiều về việc sự chia tay nói trên có ý nghĩa gì với tương lai quan hệ giữa Mỹ với Anh và châu Âu.
Trong nhiều năm, Anh là sức mạnh giúp ổn định và thống nhất ở châu Âu và chẳng có ai được lợi lộc gì nếu sức mạnh đó suy giảm, đặc biệt là trong thời kỳ thế giới rơi vào tình trạng khó khăn và cần một bàn tay vững chắc. Có hai lựa chọn trước mắt - "Brexit mềm" cho phép Anh duy trì những quan hệ gần gũi với cộng đồng châu Âu hoặc "Brexit cứng" trong đó London sẽ lấy lại kiểm soát hoàn toàn đối với những chính sách, như thương mại, nhưng buộc phải thương thảo hàng trăm thỏa thuận kinh tế mới và những thỏa thuận khác trên thế giới.
Phải chăng đã quá muộn để đảo ngược quyết định Brexit? Cựu Thủ tướng Tony Blair cho rằng có khoảng 30% cơ may để làm như vậy. "Mong manh nhưng không phải là không thể" - ông đánh giá. Khơi lại cuộc tranh luận này là một bước đi đáng hoan nghênh. Thế nhưng, việc đảo ngược quyết định trên đòi hỏi sự thay đổi đáng kể trong quan điểm của công chúng đối với chuyện ở lại EU. Vấn đề này sẽ đè nặng áp lực lên những lãnh đạo đã được bầu. Dĩ nhiên điều này sẽ không dễ dàng, nhưng đáng được mong đợi.
Bình luận (0)