Hàng ngàn trẻ em được sinh ra và lớn lên trong lòng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đủ điều kiện trở thành công dân ở đất nước mà cha mẹ chúng có quốc tịch.
"Nhiễm bạo lực" từ nhỏ
Trong bối cảnh IS dần mất hết lãnh thổ ở Syria và làn sóng cô dâu IS cùng con cái muốn hồi hương, chính phủ các nước phương Tây không khỏi đau đầu về việc có cho phép những "hậu duệ nhí" của các tay súng IS nói trên tái hòa nhập cộng đồng tại đất nước của họ hay không. Trường hợp cầu xin chính phủ Anh cho phép về nước của Shamima Begum, 19 tuổi, cùng con trai mới sinh hồi tháng 2 nhưng mới tử vong hôm 7-3, cho thấy sự phức tạp của vấn đề.
Begum là một trong 3 nữ sinh trung học bỏ trốn khỏi nhà ở London để đến Syria kết hôn với các tay súng IS hồi năm 2015. Khi đó, cô gái này mới 15 tuổi. Không lâu trước khi đứa bé chào đời, gia đình của Begum kêu gọi chính phủ giúp đưa hai mẹ con Begum trở về với lý do đứa trẻ vô tội và có quyền được lớn lên trong hòa bình và an ninh ở Anh. Tuy nhiên, Anh đã tước quyền công dân của Begum khi 2 mẹ con cô đang mắc kẹt tại trại tị nạn ở phía Bắc Syria. Theo nghiên cứu của Hội Henry Jackson (HJS) ở Anh, Begum có thể sẽ bị chia cách với con trai trong trường hợp cô được phép về Anh nhưng khả năng này rất thấp. Ngoài ra, cô gái trẻ này còn phải tham gia chương trình phi cực đoan hóa để sửa đổi hành vi.
Theo báo cáo của HJS, tòa án gia đình ở Anh đã xem xét 156 trẻ em liên quan đến chủ nghĩa cực đoan trong giai đoạn từ tháng 1-2013 đến tháng 2-2019. Theo kết quả phân tích 20 trường hợp liên quan đến 43 trẻ, khoảng 52% gia đình có ít nhất một thành viên tham gia IS. Chuyên gia Nikita Malik của HJS bày tỏ nỗi lo các tòa án thường bất lực trong việc bảo vệ phúc lợi của các trẻ em có nguy cơ bị tẩy não. "Nước Anh đang đối mặt viễn cảnh nhiều vợ con chiến binh IS sắp trở về nước. Họ sẽ phải ra tòa án gia đình nhưng hệ thống này hiện chưa thể xử lý những thách thức nghiêm trọng về chủ nghĩa cực đoan. Các tòa án gia đình cần được cải cách khẩn cấp để bảo đảm có thể đương đầu những thách thức mới này" - bà Malik cảnh báo.
Theo hãng tin AP, hiện chỉ mới có Nga cho phép hồi hương con cái các tay súng IS. Khoảng 27 trẻ trong độ tuổi 4-13 về đến thủ đô Moscow hồi đầu tháng 2. Khoảng 50 trẻ em khác dự kiến sớm được hồi hương. Ông Fawaz Gerges, chuyên gia về chính trị Trung Đông tại Trường Kinh tế London (Anh), cho rằng các chính phủ có trách nhiệm pháp lý và đạo đức giúp những đứa trẻ này tái hòa nhập xã hội. "Bọn trẻ không có lỗi khi có cha là kẻ giết người và mẹ gia nhập IS" - ông Gerges lập luận.
Shamima Begum và con trai (đã mất) ở trại tị nạn tại Syria Ảnh: ITV News
Nguy cơ không quốc tịch
Dù vậy, việc "cải tạo" những đứa trẻ trên không phải là chuyện dễ. Chuyên gia phân tích an ninh Duncan Gardham cho biết con cái của IS thường bị buộc xem và tham gia hành quyết tù nhân khi còn nhỏ. Một cuốn sách giáo khoa toán của IS được NBC News có được hồi năm 2017 cho thấy hình ảnh súng, đạn và xe tăng dùng để giải thích các bài toán cơ bản trong khi sách bài tập tiếng Anh sử dụng hình minh họa là bom để dạy cách đếm giờ.
Nhìn nhận đây là vấn đề phức tạp, ông Mohammed Elshimi, một nhà nghiên cứu tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh, cho rằng cần đánh giá rủi ro trong từng trường hợp cụ thể bởi những thiếu niên gần 18 tuổi có khả năng gây ra mối đe dọa thực sự. "Một số trẻ đã được huấn luyện cách sử dụng bom" - ông Elshimi lo ngại.
Theo luật quốc tế, các quốc gia có nghĩa vụ cho phép công dân của mình về nước. Nhưng đến nay, các nước châu Âu vẫn do dự trong vấn đề hồi hương các tay súng gia nhập hàng ngũ IS trong lúc gia đình họ tin rằng những người này an toàn hơn khi ở bên ngoài châu Âu. Riêng nước Anh còn đi xa hơn khi tước quyền công dân của hơn 100 tay súng IS mang 2 quốc tịch.
Trở lại trường hợp của Begum, Bangladesh tuyên bố cô không phải là công dân nước này. Theo Bộ Ngoại giao Bangladesh, Begum có quốc tịch khai sinh là Anh và chưa từng nộp đơn đăng ký song tịch với Bangladesh. Hơn nữa, Begum cũng chưa từng đến Bangladesh dù đây là quê hương của gia đình cô. Trong khi đó, theo tờ Guardian (Anh), ông Ali Ahmed, cha của Begum, kêu gọi chính phủ Anh cấp lại quyền công dân cho con gái, đồng thời cho hồi hương và trừng phạt Begum nếu người mẹ trẻ này bị kết tội.
Cũng đối mặt với nguy cơ vô tịch như Begum, Hoda Muthana, 24 tuổi, từng tham gia hoạt động tuyên truyền của IS, bị chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cấm trở về quê nhà. Muthana nói rằng mình bị các thông điệp trên mạng xã hội "tẩy não" và giấu cha mẹ trốn khỏi nhà ở bang Alabama đến Syria vào năm 2014. Sau đó, cô ta đăng lên Twitter ảnh đốt hộ chiếu cùng với 3 phụ nữ khác. Chưa hết, Muthana còn dùng mạng xã hội kêu gọi tiêu diệt người Mỹ và ca ngợi IS. Khi IS dần mất hết lãnh thổ, Muthana từ bỏ chủ nghĩa cực đoan và muốn về Mỹ cùng con trai mới sinh.
Giới chuyên gia cho rằng lệnh "cấm cửa" Muthana của ông Trump có thể sẽ đối mặt một số thách thức pháp lý vì việc thu hồi quyền công dân Mỹ là rất khó khăn. Hôm 4-3, một thẩm phán ở Washington bác bỏ yêu cầu của gia đình Muthana về việc nhanh chóng xem xét trường hợp của cô này. Trước đó, luật sư của Muthana cho rằng cô và con trai đang đối mặt nguy hiểm tại trại tị nạn ở Syria. Thông qua luật sư và truyền thông, Muthana khẳng định sẵn sàng đối mặt với bất kỳ biện pháp trừng phạt nào nếu bị kết tội trong trường hợp được phép trở về Mỹ.
Bình luận (0)