Khoảng 2.153 người giàu nhất thế giới hiện sở hữu số tài sản nhiều hơn số tài sản của 4,6 tỉ người nghèo nhất thế giới gộp lại trong năm 2019.
Thông tin trên được đưa ra trong báo cáo của tổ chức từ thiện có trụ sở tại Nairobi – Kenya được công bố trước thềm Diễn đàn kinh tế thế giới thường niên ở TP Davos - Thụy Sĩ.
Trong báo cáo có tên gọi "Thời gian dành cho chăm sóc", Oxfam ước tính công việc chăm sóc không được nhận thù lao của phụ nữ đã tăng thêm ít nhất 10,8 ngàn tỉ USD mỗi năm cho nền kinh tế thế giới - gấp 3 lần so với lĩnh vực công nghệ.
Những người biểu tình phản đối sự bất bình đẳng trước thềm Diễn đàn kinh tế thế giới ở Kenya. Ảnh: Reuters
Ông Amitabh Behar, giám đốc điều hành Oxfam ở Ấn Độ, nói với hãng tin Reuters: "Điều quan trọng đối với chúng tôi là chỉ ra động lực ẩn giấu trong nền kinh tế mà chúng ta nhìn thấy thực chất là công việc chăm sóc không được trả lương của phụ nữ. Điều đó cần phải thay đổi".
Ông Behar cho rằng khoảng cách giàu nghèo không thể được giải quyết nếu không có các chính sách xóa bỏ bất bình đẳng chủ động.
Báo cáo của Oxfam - dựa trên số liệu từ tạp chí Forbes và Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ) - nêu rõ khoảng 22 người đàn ông giàu nhất thế giới có tài sản nhiều hơn tất cả phụ nữ châu Phi cộng lại.
"Nếu một người giàu nhất thế giới chỉ trả 0,5% thuế tài sản của họ trong 10 năm, đó sẽ là khoản đầu tư cần thiết giúp tạo ra 117 triệu việc làm mới trong lĩnh vực chăm sóc, giáo dục và y tế cho người già cũng như trẻ em.
Theo ông Behar, phụ nữ và trẻ em gái đặc biệt bị gánh trọng trách nặng nề bởi họ là những người chăm sóc giúp duy trì "bánh xe của nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp và xã hội tiếp tục vận hành".
Báo cáo của Oxfam cũng chỉ ra 42% phụ nữ trên toàn cầu không thể có việc làm vì họ chịu trách nhiệm cho tất cả các công việc chăm sóc, so với 6% ở nam giới.
Bình luận (0)