Theo The Guardian, Úc đang sử dụng những tháng cuối của họ tại ban điều hành Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để vận động điều tra mạnh mẽ và minh bạch về nguồn gốc gây ra đại dịch Covid-19.
Khi được hỏi liệu Úc có hài lòng với mức độ hợp tác của Trung Quốc hay không, một người phát ngôn của Bộ Y tế Úc khẳng định: "Úc khuyến khích mọi quốc gia tham gia một cách cởi mở và mang tính xây dựng".
Một hội đồng đánh giá độc lập do cựu thủ tướng New Zealand Helen Clark đồng chủ tịch sẽ cung cấp báo cáo sơ bộ cho ban điều hành WHO vào tháng tới, trước khi hoàn tất báo cáo vào tháng 5-2021, ngay trước thời điểm nhiệm kỳ hiện tại của Úc hết hạn.
Các nước thành viên như Úc, quốc gia mỗi năm viện trợ hơn 16 triệu USD cho WHO, thời gian qua nhận được thông tin cập nhật thường xuyên về cuộc điều tra.
Virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 được phát hiện lần đầu tại một chợ cá ở TP Vũ Hán - Trung Quốc vào cuối năm 2019. Ảnh: Reuters
Mặc dù Úc đến giờ "hài lòng" với quá trình điều tra, người phát ngôn nêu trên khẳng định bà Clark và đồng chủ tịch hội đồng đánh giá độc lập Ellen Johnson Sirleaf, cựu tổng thống Liberia, vẫn còn một nhiệm vụ quan trọng phía trước để củng cố bằng chứng và ý kiến của 194 nước thành viên.
"Úc sẽ tiếp tục làm việc với các nước thành viên của ban điều hành WHO để đảm bảo cuộc điều tra diễn ra mạnh mẽ, độc lập và toàn diện…" – người phát ngôn khẳng định, đồng thời cho biết Úc cũng sẽ sử dụng quãng thời gian còn lại ở ban điều hành để thúc đẩy những cải cách giúp WHO "hiệu quả, minh bạch và bền vững hơn".
Quan hệ Canberra-Bắc Kinh thời gian qua căng thẳng vì nhiều vấn đề, bao gồm cuộc điều tra nêu trên.
Chính quyền Thủ tướng Scott Morrison hồi tháng 4 kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc và cách ứng phó Covid-19 giai đoạn đầu. Trung Quốc nổi giận với động thái này, gọi đây là một nước đi chính trị chống lại họ.
Kể từ đó, Bắc Kinh triển khai nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Canberra, trong đó có lệnh cấm nhập khẩu thịt bò và than đá.
Thủ tướng Scott Morrison tuyên bố Úc sẽ không cúi đầu trước sức ép kinh tế. Ảnh: Reuters
Đức: 8 người bị tiêm quá liều vắc-xin Covid-19
Giới chức địa phương khu vực Vorpommern-Ruegen – Đức, hôm 28-12 cho biết 8 nhân viên lớn tuổi của một viện dưỡng lão tại đây đã bị tiêm nhầm liều lượng gấp 5 lần liều lượng khuyến nghị đối với vắc-xin Covid-19 của Công ty Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức).
Vụ việc xảy ra một ngày trước đó tại TP Stralsund và những người bị tiêm nhầm nằm trong độ tuổi 66-82. Họ được đưa về nhà ngay khi sự cố trên được phát hiện. Bốn trong số này biểu hiện các triệu chứng tương tự cảm cúm và đã được đưa đến bệnh viện để theo dõi.
Bình luận (0)