Các cấp chỉ huy Hải quân Mỹ đang đau đầu tìm lời giải đáp sau khi 2 tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Fitzgerald và USS John S. McCain lần lượt va chạm với tàu hàng ở Thái Bình Dương hôm 17-6 và 21-8, gây thiệt hại hàng trăm triệu USD và khiến 17 thủy thủ mất mạng.
Khách quan hay chủ quan?
Cũng trong năm nay, tàu khu trục Mỹ USS Antietam đã mắc cạn ở vịnh Tokyo - Nhật Bản hôm 31-1 và tàu tuần dương USS Lake Champlain va chạm với tàu đánh cá của Hàn Quốc ngày 9-5. Tất cả cho thấy có điều gì đó bất ổn. Hậu quả là Phó Đô đốc Joseph Aucoin, tướng 3 sao Tư lệnh Hạm đội 7, sáng 23-8 đã bị cho nghỉ hưu trước hạn định mấy tuần sau khi xảy ra các vụ tai nạn này.
Các cuộc điều tra, rà soát đang diễn ra - trong đó chú trọng đến những tiêu chuẩn huấn luyện, chứng nhận của Hải quân Mỹ, đặc biệt là đội ngũ sĩ quan tác chiến - đều nhằm giải thích nguyên nhân các vụ tai nạn. Tuy vậy, theo trang Military, một số chuyên gia Hải quân Mỹ cho rằng binh chủng này có thể không như những gì người ta biết.
Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, trong cuộc họp báo gần nơi tàu USS John S. McCain hư hỏng neo đậu ở Singapore hôm 22-8 Ảnh: REUTERS
Đối với một số người, các vụ tai nạn xảy ra gần đây đưa ra lý lẽ mạnh mẽ về việc xây dựng những hạm đội lớn hơn mà lãnh đạo Hải quân Mỹ lâu nay đòi hỏi. Hiện nay, Hải quân Mỹ có 276 tàu chiến được điều động nhưng lực lượng này muốn đạt con số 355 chiếc để đáp ứng yêu cầu hoạt động khắp thế giới.
Ít tàu đồng nghĩa với việc thủy thủ đoàn có ít thời gian nghỉ ngơi và huấn luyện hơn nên hoạt động với tình trạng căng thẳng, mệt mỏi hơn. "Các vị chỉ huy hạm đội và tác chiến không muốn giảm số tàu chiến. Hải quân đã thúc đẩy chuyện đáp ứng các đề nghị đó càng nhiều càng tốt" - chuyên gia Tom Callender, cựu sĩ quan Hải quân Mỹ, tiết lộ.
Hạ nghị sĩ Cộng hòa Rob Wittman, Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, cho rằng những yếu tố khách quan tác động lên Hạm đội 7 là nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn gần đây. Ủng hộ quan điểm vận hành an toàn hạm đội của tư lệnh hải quân nhưng ông tin rằng còn có những nguyên nhân cơ bản hơn gây ra sai phạm một cách có hệ thống, gồm cả nhịp độ vận hành, cơ hội huấn luyện bị hạn chế và nguồn kinh phí không đáp ứng nhu cầu cơ bản.
"Tôi mong sẽ có một cuộc rà soát lại thật chi tiết các hoạt động của hải quân để bảo đảm sự an toàn cơ bản cho thủy thủ và các lực lượng làm nhiệm vụ gìn giữ an ninh cho đất nước" - ông Wittman nhấn mạnh.
Cách giải thích của nhà lập pháp này không thuyết phục được mọi người. Không thể phủ nhận tất cả 4 tàu chiến Mỹ liên quan đến các vụ tai nạn trong năm nay đều đang hoạt động ở các khu vực có mật độ giao thông đường biển cao nhất thế giới. Tuy vậy trong thực tế, va chạm đã xảy ra khi chúng di chuyển và vận hành trên tuyến đường quen thuộc.
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Scott Swift, trong thông điệp gửi hạm đội của mình đã khẳng định các vụ tai nạn nêu trên xảy ra khi tàu "đang vận hành trong các điều kiện cơ bản nhất". Ông cho rằng sự tự mãn và cách thức vận hành tàu cẩu thả là thủ phạm đích thực gây ra tai nạn.
Ít bảo dưỡng, huấn luyện
Nhiều người đang đặt nghi vấn về những thách thức và mối nguy hiểm đối với Hạm đội 7 khi tất cả 4 vụ tai nạn trong năm nay đều xảy ra ở cùng một khu vực. Bốn tàu nêu trên đều thuộc Hạm đội 7, trong đó các tàu khu trục USS John S. McCain, USS Fitzgerald, USS Antietam đều trú đóng ở cảng Yokosuka - Nhật Bản và có sứ mệnh duy trì sự hiện diện thường xuyên của quân đội Mỹ trên Thái Bình Dương.
Năm 2015, Văn phòng Giải trình của chính phủ Mỹ có báo cáo cho biết các tàu chiến tiên phong này đến khu vực nêu trên theo chiến lược tăng cường sự hiện diện ở Thái Bình Dương. Chúng mất nhiều thời gian cho việc dàn trận và thường xuyên lừa dối về chuyện huấn luyện.
Bản báo cáo nhấn mạnh các tàu khu trục đóng ở Mỹ sử dụng 40% thời gian cho việc triển khai lực lượng, 60% cho công tác huấn luyện và bảo dưỡng. Trong khi đó, các tàu chiến Mỹ đóng ở Nhật đã dành tới 67% thời gian để triển khai đội hình, chỉ 33% cho bảo dưỡng và không hề có giai đoạn nào huấn luyện.
Một cuộc thăm dò vào thời điểm đó còn phát hiện có đến 17% giấy chứng nhận khả năng chiến trận cho các thành viên thủy thủ đoàn trú đóng ở Nhật Bản đã hết hạn. Thậm chí, một số đã hết hạn nhiều tháng.
Chuyên gia Jerry Hendrix, thuyền trưởng tàu Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu, cho rằng vị trí địa lý của khu vực cũng có những thách thức riêng. Eo biển Malacca, nơi USS John S. McCain đi qua trên đường đến Singapore trước khi đụng tàu chờ dầu sáng 21-8, vốn có mật độ giao thông đường biển cao nhất thế giới. Điều đó khiến việc di chuyển qua eo biển hẹp này thêm khó khăn hơn.
Cũng theo ông Hendrix, các hoạt động trên Thái Bình Dương ở những khoảng cách xa hơn và thời gian trên biển kéo dài là những yếu tố tác động tiêu cực, dai dẳng đến đội ngũ thủy thủ trên các tàu chiến Mỹ.
Liên tục gặp nạn
Ngày 19-8-2016: Tàu ngầm Louisiana trang bị tên lửa đạn đạo hạt nhân và tàu hỗ trợ Eagleview va chạm ở vịnh Juan de Fuca ngoài khơi bang Washington - Mỹ. Cả 2 tàu đều bị thiệt hại ở phần thân nhưng không có ai thương vong.
Ngày 20-11-2014: Hai tàu USNS Amelia Earhart và USNS Walter S. Diehl đụng nhau khi trao đổi hàng hóa ở vịnh Aden. Cả 2 tàu này đều tiếp tế cho các tàu chiến thuộc Hạm đội 5 Hải quân Mỹ trú đóng ở Manama - Bahrain.
Ngày 22-7-2004: Tàu sân bay John F. Kennedy và một thuyền buồm Ả Rập va chạm ở vùng Vịnh khiến thuyền buồm chìm ngay lập tức và mọi người trên boong đều tử nạn. Sau vụ này, sĩ quan chỉ huy Stephen G. Squires bị cách chức. Trước đó, ngày 22-11-1975, tàu John F. Kennedy cũng đã va chạm, làm hỏng tàu khu trục Belknap ở Địa Trung Hải ngoài khơi Sicily. Ngày 14-9-1976, tàu khu trục Bordelon va chạm với tàu John F. Kennedy trong lúc tiếp nhiên liệu, hư hại nhiều nên sau đó đã bị loại bỏ.
Ngày 9-2-2001: Tàu ngầm tấn công Greeneville va chạm với tàu cá Nhật Ehime Maru ở ngoài khơi Oahu, bang Hawaii. Thuyền trưởng tàu ngầm Scott Waddle đã bị cách chức.
Kỳ tới: Nỗi lo tấn công mạng
Bình luận (0)