Theo hãng tin Reuters, gần 350.000 cảnh sát, binh sĩ và 1,6 triệu nhân viên bán quân sự được triển khai khắp nước để bảo vệ cử tri, các phòng phiếu, những cơ sở quan trọng và địa điểm tập trung đông người.
Đây là lần đầu tiên Indonesia tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và lập pháp trong cùng một ngày. Điều này có nghĩa 192 triệu người đủ tư cách bỏ phiếu sẽ tham gia bầu chọn 20.538 thành viên cơ quan lập pháp các cấp và người chiến thắng trong cuộc đối đầu giữa đương kim Tổng thống Joko Widodo và cựu tướng quân đội Prabowo Subianto - tái hiện cuộc chiến gay cấn cách đây 5 năm.
Theo đài CNBC, một trong những vấn đề được cử tri Indonesia quan tâm hàng đầu trong cuộc bầu cử năm nay là chính sách kinh tế và chuyện "cơm áo gạo tiền". Kinh tế đất nước tăng trưởng khoảng 5% trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Widodo nhưng thu nhập thật sự của gần 40 triệu nông dân lại sụt giảm.
Một cuộc tranh luận giữa 2 ứng viên tổng thống Joko Widodo (trái) và Prabowo Subianto tại thủ đô Jakarta Ảnh: REUTERS
Đáng chú ý, ảnh hưởng của Trung Quốc trong nền kinh tế và chính trường Indonesia đang bị soi gắt gao trong lần bầu cử này. Một số nhà phân tích cho rằng đứng dưới góc độ nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Bắc Kinh, ứng viên Subianto bị xem là có lập trường ít thân thiện hơn. Trong chiến dịch tranh cử, nhân vật này thường xuyên quy trách nhiệm cho giới đầu tư nước ngoài và các quốc gia khác về những vấn đề Indonesia đang đối mặt.
Theo chuyên gia Peter Mumford của Công ty Tư vấn rủi ro Eurasia Group (Mỹ), ông Subianto lâu nay chỉ trích hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại Indonesia. Ở chiều ngược lại, ông Widodo tích cực tìm kiếm đầu tư từ Trung Quốc đối với các dự án hạ tầng lớn trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.
Tại cuộc tranh luận cuối cùng trên truyền hình vào cuối tuần rồi, ông Subianto phàn nàn việc Indonesia "không sản xuất được thứ gì mà chỉ toàn nhận sản phẩm của nước khác". Đáp lại, ông Widodo lập luận nước này "không thể xuất khẩu hàng hóa nếu không xây dựng hạ tầng cần thiết".
Hai ứng viên tổng thống còn nỗ lực "ghi điểm" với cử tri thông qua vấn đề tôn giáo, nhất là khi giữa họ không có quá nhiều khác biệt về các chính sách nói chung. Trong chiến dịch tranh cử, ông Subianto gọi mình là "người bảo vệ" đạo Hồi và bắt tay với các nhóm Hồi giáo cứng rắn. Không chịu thua kém, ông Widodo đã chọn ông Ma’ruf Amin, một giáo sĩ Hồi giáo bảo thủ, làm ứng viên phó tổng thống trong liên danh tranh cử.
Ai thắng, ai thua trong cuộc đối đầu trên có thể biết được vào cuối ngày bầu cử nhưng kết quả chính thức dự kiến phải chờ Ủy ban Bầu cử công bố vào tháng 5. Theo Reuters, hầu hết cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử cho thấy ông Widodo dẫn trước đối thủ dù phe đối lập bác bỏ những kết quả này.
Bình luận (0)