Ê-kíp tranh cử của Tổng thống Donald Trump hôm 4-11 phát động cuộc chiến pháp lý tại các bang chiến trường Pennsylvania, Michigan và Georgia nhằm yêu cầu ngưng đếm phiếu.
"Chiến lược pháp lý khó tin"
Tại Pennsylvania và Michigan, ê-kíp của Tổng thống Trump khẳng định họ chưa được tiếp cận công bằng tại các điểm đếm phiếu để giám sát quá trình mở và thống kê phiếu như quy định của bang.
Tại Georgia, phía ông Trump tuyên bố một nhân viên giám sát kiểm phiếu của Đảng Cộng hòa phát hiện phiếu gửi muộn bị thêm "bất hợp pháp" vào chồng phiếu gửi đúng hạn ở hạt Chatham. "Chúng tôi sẽ không cho phép Đảng Dân chủ cướp cuộc bầu cử từ tay Tổng thống Trump bằng những lá phiếu muộn, không hợp lệ" - ê-kíp tranh cử của ông Trump tuyên bố.
Trong cuộc họp báo trước đó cùng ngày tại Philadelphia, luật sư cá nhân của Tổng thống Trump, ông Rudy Giuliani, cho biết họ có thể trình thêm đơn kiện tại bang chiến trường Wisconsin với lý do tương tự ở Pennsylvania.
Những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump biểu tình phản đối kết quả bầu cử Mỹ tại TP Phoenix - Mỹ, hôm 4-11 Ảnh: REUTERS
Nhiều chuyên gia pháp lý khẳng định những tuyên bố nêu trên của ê-kíp ông Trump là "một chiến lược pháp lý khó tin" nhằm gieo rắc hoài nghi đối với tính hợp pháp của cuộc bầu cử. Xuyên suốt chiến dịch tranh cử, Tổng thống Trump thường xuyên chỉ trích hình thức bỏ phiếu qua thư vì cho rằng nó có thể dẫn đến gian lận.
"Đây là một sự gian lận quy mô lớn trên đất nước chúng ta. Chúng tôi muốn luật pháp được sử dụng một cách đúng đắn. Vì thế, chúng tôi sẽ yêu cầu Tòa án Tối cao Mỹ can thiệp" - ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh nhưng không cung cấp bằng chứng.
Vai trò của Tòa án Tối cao
Theo báo The Guardian, Tổng thống Trump dường như đã chuẩn bị sẵn cho kịch bản tranh chấp bầu cử bằng cách đề cử các thẩm phán bảo thủ vào Tòa án Tối cao Mỹ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là bằng chứng và Tòa án Tối cao Mỹ không thể tùy tiện ra phán quyết có lợi cho ông. Thậm chí, cơ quan này chưa chắc đã phải phân xử tranh chấp bầu cử năm 2020, bởi đây là tòa phúc thẩm cuối cùng ở Mỹ và có toàn quyền quyết định phân xử hay không một vụ việc nào đó.
Giới chuyên gia pháp luật khẳng định mặc dù có thể xuất hiện tranh chấp liên quan đến phiếu bầu hoặc thủ tục bỏ phiếu và đếm phiếu, hiện vẫn chưa rõ những tranh chấp này có giúp phân định kết quả cuối cùng hay không.
Số phiếu đại cử tri giữa hai ứng viên càng sít sao, tình hình sẽ càng hỗn loạn. Báo The Guardian gợi lại 35 ngày đấu đá pháp lý kịch tính ở Florida trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2000 giữa ông George W. Bush (Cộng hòa) và ông Al Gore (Dân chủ).
Ban đầu, các hãng truyền thông Mỹ "gọi tên" ông Al Gore ở Florida nhưng các cuộc đếm phiếu bằng tay sau đó trao lại chiến thắng cho ông Bush, nhờ hơn đối thủ chưa tới… 600 phiếu. Chung cuộc, ông Bush được 271 phiếu đại cử tri trên tổng số 538 phiếu, trở thành vị tổng thống thứ 43 của Mỹ.
Tuy nhiên, ông Ned Foley, chuyên gia về luật bầu cử tại Trường ĐH bang Ohio (Mỹ), khẳng định cuộc bầu cử hiện tại không có những yếu tố tạo nên tình huống tương tự cuộc đua năm 2000.
Hiện tại, Tòa án Tối cao Mỹ đã từ chối theo dõi nhanh đơn kháng cáo của Đảng Cộng hòa nhưng 3 thẩm phán bảo thủ để mở khả năng xét xử vụ việc sau ngày bầu cử.
Dù vậy, kể cả khi Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết có lợi cho Đảng Cộng hòa, động thái này chưa chắc ảnh hưởng đến kết quả bầu cử cuối cùng tại Pennsylvania, bởi vụ việc chỉ liên quan đến những lá phiếu bỏ qua thư nhận sau ngày 3-11. Chưa kể, trong trường hợp ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden giành được 270 phiếu đại cử tri mà không cần đến Pennsylvania, nguy cơ về một cuộc chiến pháp lý tại bang này gần như không còn.
Người ủng hộ ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden yêu cầu “kiểm mọi lá phiếu” tại TP New York - Mỹ, hôm 4-11 Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, Giám đốc chiến dịch tranh cử của ông Biden, bà Jen O’Malley Dillon, khẳng định với những người ủng hộ rằng họ đã sẵn sàng cho một cuộc chiến pháp lý "lớn nhất và toàn diện nhất". Theo hãng tin Bloomberg, Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ và chiến dịch tranh cử của ông Biden đã thành lập "Quỹ Đấu tranh của ông Biden" để gây quỹ cho cuộc chiến pháp lý.
Ông Biden chuẩn bị chuyển giao quyền lực
Song song đó, ông Biden hôm 4-11 công bố trang web phục vụ quá trình chuyển giao quyền lực đến Nhà Trắng do Đảng Dân chủ kiểm soát. Đội ngũ của ông đặt tên cho trang web này là BuildBackBetter.com và tuyên bố "Chính quyền Biden-Harris có thể vận hành trơn tru ngay ngày đầu nhiệm kỳ".
"Chúng ta không phải là kẻ thù. Những gì gắn kết chúng ta với nhau vì cùng là người Mỹ mạnh hơn rất nhiều so với bất cứ thứ gì có thể chia cắt chúng ta" - ông Biden phát biểu tại bang Delaware, đứng cạnh là nữ phó tướng Kamala Harris.
Theo tạp chí Politico, mọi sự chậm trễ trong kết quả bầu cử đều có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển giao quyền lực cho ông Biden. Với việc chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump yêu cầu kiểm phiếu lại ở Wisconsin và trình đơn kiện ở Michigan và Pennsylvania, kết quả bầu cử chính thức năm nay có thể bị chậm vài ngày hoặc thậm chí vài tuần.
Điều này có thể gây ra những thách thức mới cho hàng chục quan chức Đảng Dân chủ đã làm việc hàng tháng trời để thành lập chính phủ trong trường hợp ông Biden đắc cử. Chẳng hạn, khả năng ngày càng hiện hữu về một Thượng viện vẫn do Đảng Cộng hòa kiểm soát đã buộc các nhóm cố vấn của ông Biden đánh giá lại những chính sách mà họ muốn được quốc hội thông qua cũng như những cá nhân mà họ muốn đề cử vào các vị trí trong nội các và hệ thống tư pháp.
Ông Alan Kessler, một nhà gây quỹ nổi tiếng của Đảng Dân chủ, cho biết ông lo ngại về khả năng Tổng thống Trump từ chối chuyển giao quyền lực êm đềm với lý do kết quả bầu cử bị gian lận. Trong trường hợp này, theo ông Kessler, quá trình chuyển giao quyền lực không phải là không thể diễn ra nhưng sẽ diễn ra khó khăn hơn rất nhiều.
Lo sợ bạo lực lan rộng
Nước Mỹ đang chứng kiến sự chia rẽ mạnh mẽ sau bầu cử khi hàng ngàn người ủng hộ hai ông Joe Biden và Donald Trump xuống đường biểu tình đêm 4-11 (giờ địa phương).
Tại TP New York, đám đông ủng hộ ông Biden tuần hành yêu cầu kiểm đếm toàn bộ phiếu bầu. Cuộc tuần hành diễn ra khá yên bình với sự tham gia của những người thuộc nhiều thế hệ. Dù vậy, cảnh sát đã bắt giữ 50 người quá khích trong các cuộc biểu tình nhỏ sau đó. Một loạt thành phố khác ở Mỹ cũng ghi nhận các cuộc tuần hành ủng hộ kiểm phiếu đầy đủ, trong đó có Atlanta, Oakland, Phoenix, Las Vegas, Denver, Minneapolis, Los Angeles, Chicago...
Cảnh sát bắt giữ một người biểu tình tại TP New York - Mỹ, hôm 4-11 Ảnh: REUTERS
Ở chiều ngược lại, người ủng hộ ông Trump đòi ngừng kiểm phiếu ở bang Michigan. Cuộc biểu tình này diễn ra bên ngoài một trung tâm kiểm phiếu ở TP Detroit và tỏ ra căng thẳng hơn. Video trên mạng xã hội cho thấy đám đông giơ cao nắm đấm khi bị cảnh sát ngăn cản. Điều đáng nói là một đám đông ủng hộ ông Trump tập trung ở TP Phoenix - Arizona lại đòi... tiếp tục kiểm phiếu tại bang này.
Theo Reuters, người ủng hộ cả hai ứng viên đều có chung biểu cảm tức giận, thất vọng và lo sợ khi kết quả bầu cử dự kiến mất vài ngày, thậm chí vài tuần nữa mới công bố. Nỗi lo "bạo lực lan rộng" buộc Thống đốc bang Oregon Kate Brown ra lệnh triển khai Vệ binh Quốc gia để đối phó. Động thái này diễn ra sau khi cảnh sát tại TP Portland bắt 11 người và tịch thu pháo hoa, búa và súng.
Phạm Nghĩa
Bình luận (0)