Các quốc gia trên khắp thế giới đang theo dõi sát sao cuộc bầu cử Mỹ hôm 3-11 không kém gì người dân Mỹ. Mối quan tâm đặc biệt của họ là chính sách của nhà lãnh đạo Mỹ tương lai.
Từ châu Âu đến Trung Đông
Tại Anh, trong lúc kết quả thăm dò dư luận YouGov cho thấy người dân ủng hộ ông Joe Biden một cách áp đảo với tỉ lệ 61%, vượt xa so với 13% dành cho ông Donald Trump thì giới lãnh đạo lại hy vọng tổng thống Mỹ một lần nữa chiến thắng. Nguyên nhân nằm ở vấn đề Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu).
Nếu ông Trump tiếp tục nắm quyền, Anh có thể đàm phán một thỏa thuận tốt hơn với Liên minh châu Âu (EU). Nhiều quan chức trong chính phủ Anh tiết lộ thỏa thuận giữa Anh và EU bị hoãn cho đến khi có kết quả bầu cử Mỹ. Thêm vào đó, nước Anh hậu Brexit nhiều khả năng sẽ ký kết được thỏa thuận thương mại với Mỹ dưới thời ông Trump hơn là chính quyền ông Biden.
Chính sách "Nước Mỹ trên hết" đã kéo Tổng thống Donald Trump rời xa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Mỹ vốn đã đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do với EU nhưng khi bước vào Nhà Trắng, ông Trump cho rằng nó "lỗi thời và không còn phù hợp". Một quan chức Anh nhận định nếu ông Biden lãnh đạo chính quyền Mỹ, mối quan hệ giữa Washington với Paris và Berlin sẽ được ưu tiên hơn Mỹ - Anh.
Theo hãng tin AP, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro là một trong những nhà lãnh đạo không ngại công khai ủng hộ Tổng thống Donald Trump, sau khi các quan chức hai nước hồi tháng trước ký thỏa thuận tạo điều kiện cho thương mại và tiếp đó là một thỏa thuận khác với khoản tài trợ lên tới 1 tỉ USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ.
Khách hàng trong một tiệm cắt tóc ở TP Thượng Hải - Trung Quốc theo dõi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hôm 4-11 Ảnh: REUTERS
Khắp Trung Đông, theo đài CNN, được bao trùm bởi một sự tĩnh lặng kỳ lạ. Giới phân tích cho rằng cuộc bầu cử Mỹ có thể thay đổi chính sách của các quốc gia có ảnh hưởng tại khu vực này. Từ thỏa thuận hạt nhân Iran đến "thỏa thuận thế kỷ" mà Tổng thống Donald Trump từng nhắc đến dành cho Israel và Palestine, tất cả đều sẽ chịu tác động mạnh mẽ bởi những gì diễn ra ở Mỹ lúc này.
Ứng viên Biden từng cam kết nếu đắc cử sẽ đảo ngược việc Tổng thống Donald Trump rút hỗ trợ nhân đạo và kinh tế đối với người dân Palestine, đồng thời khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran từ thời chính quyền ông Barack Obama, thỏa thuận mà Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi vào năm 2018.
Dấu hỏi cho quan hệ Mỹ - Trung
Việc ứng viên nào chiến thắng cuộc bầu cử Mỹ cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt ở châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc ngày càng ganh đua mạnh mẽ khắp khu vực. Khác biệt so với người tiền nhiệm Barack Obama với chiến lược xoay trục nhằm tăng cường các mối quan hệ ở châu Á đồng thời đối trọng với Trung Quốc, ông Trump lại gây chú ý bởi sự vắng mặt và thái độ xem thường chủ nghĩa đa phương, điều mà các nhà lãnh đạo châu Á cho là quan trọng đối với hòa bình và ổn định lâu dài tại đây.
Ông Clayton Dube, Giám đốc Viện Mỹ - Trung Quốc tại Trường ĐH Nam California, cho biết cạnh tranh Mỹ - Trung là điều không thể tránh khỏi nhưng cách xử lý của chính quyền mới sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện quan hệ song phương.
Những khác biệt chính sách lớn giữa hai ứng viên năm nay. Nguồn: Straits Times - Việt hóa: Thanh Long, Bảo Hạnh
Quan hệ thương mại và chính sách kinh tế Mỹ - Trung đang bị chính trị hóa ở Mỹ và đây cũng là những trọng điểm trong chiến dịch tranh cử của cả Tổng thống Donald Trump và ứng viên Biden.
Theo nhận định của Công ty Luật quốc tế Crowell & Moring (Mỹ), Tổng thống Donald Trump khẳng định quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không mang lại lợi ích cho nước Mỹ trong khi cựu Phó Tổng thống Biden cho rằng Trung Quốc không đáp ứng được kỳ vọng về cải cách kinh tế sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Cách tiếp cận cụ thể và giọng điệu của cả hai có thể khác nhau nhưng mối quan hệ song phương giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn căng thẳng bất kể ứng viên nào làm chủ Nhà Trắng vào năm 2021.
Nhiều chuyên gia đánh giá nếu tái đắc cử, ông Trump vẫn sẽ duy trì quan điểm tấn công Trung Quốc như hiện nay. Bên cạnh đó, giới quan sát đặt câu hỏi rằng một khi thắng cuộc, ông Biden sẽ xoa dịu căng thẳng như thế nào trong khi vẫn duy trì thế cứng rắn với Trung Quốc.
Về phía Trung Quốc, dù tránh dự đoán kết quả bầu cử nhưng các học giả nước này không mấy lạc quan về khả năng tan băng trong quan hệ với Mỹ, bất kể người thắng là ông Trump hay ông Biden.
Ông Jia Qingguo, Giám đốc Viện Giao lưu Nhân dân Trung Quốc - Mỹ tại Trường ĐH Bắc Kinh, cho rằng nếu ông Trump tái đắc cử, hai nước có thể xảy ra một cuộc chiến tranh lạnh mới. Trong trường hợp ông Biden trở thành ông chủ Nhà Trắng, dù cũng sẽ tiếp tục gây áp lực với Trung Quốc nhưng có thể tăng cường đối thoại nhằm tìm kiếm sự hợp tác trong các vấn đề như biến đổi khí hậu và không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Bình luận (0)