Nước Mỹ hôm 1-3 bước vào ngày “siêu thứ ba” khi 2 đảng Dân chủ, Cộng hòa (GOP) tiến hành bầu cử sơ bộ tại 11 bang. Riêng Đảng Dân chủ còn bỏ phiếu ở đảo Samoa (lãnh thổ thuộc Mỹ). Theo hãng tin AP, 5 ứng viên GOP và 2 ứng viên Dân chủ lần lượt tranh nhau 595 và 865 phiếu đại cử tri trong các cuộc bầu cử trên.
Cơ hội mong manh
Theo các cuộc thăm dò mới nhất cũng như nhận định chung của giới truyền thông Mỹ, 2 ứng viên đang dẫn đầu Donald Trump và Hillary Clinton nhiều khả năng sẽ thắng lớn trong ngày “siêu thứ ba” để tăng tốc về đích. Sau 4 cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên, ông Trump hiện nắm 82 phiếu đại cử tri, con số này của bà Clinton là 544. Để trở thành ứng viên chính thức của đảng mình, ông Trump phải có ít nhất 1.237/2.472 phiếu đại cử tri, còn bà Clinton cần sự ủng hộ của ít nhất 2.382/4.763 đại biểu tại đại hội đảng sắp tới.
Theo AP, do các bang nói trên áp dụng thể thức chia tỉ lệ đại cử tri trên tỉ lệ phiếu bầu nên sẽ không có ứng viên nào trắng tay sau ngày “siêu thứ ba”. Cơ hội, dù mong manh, vẫn còn cho những ứng viên thất thế trong cuộc bầu cử sơ bộ còn lại. Trong đó, đáng chú ý là sẽ có 5 bang lớn - Florida, Illinois, Missouri, Bắc Carolina, Ohio - tiến hành bầu cử trong ngày 15-3 với tổng số phiếu đại cử tri dành cho GOP là 367 và Đảng Dân chủ là 691. Tại những bang này, người chiến thắng sẽ giành toàn bộ phiếu đại cử tri, tạo động lực để ứng viên “chiếu dưới” tích cực chạy đua vận động tranh cử với hy vọng chặn đà tiến của người dẫn đầu.
Tự tin tăng cao
Trong số 11 bang bầu cử trong ngày “siêu thứ ba”, Texas là địa phương có nhiều phiếu đại cử tri nhất (155 của GOP và 222 của Đảng Dân chủ). Đang đứng ngay sau ông Trump với 17 phiếu đại cử tri, thượng nghị sĩ Ted Cruz dồn sức kêu gọi cử tri “sân nhà” góp phiếu cho ông. Cũng với hy vọng lật ngược tình thế, thượng nghị sĩ Marco Rubio, hiện có 16 phiếu đại cử tri, lại tìm cách tập hợp những lực lượng “chống Trump” về dưới trướng mình. Dù vậy, nếu kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất chính xác, khả năng ông Trump bị lật đổ sau ngày 1-3 là rất thấp bởi theo báo The Washington Post, vị tỉ phú này chỉ khó thắng đối thủ Cruz tại bang Texas.
Về phía Dân chủ, cuộc đua xem ra không gay cấn bằng. Sau chiến thắng ở bang Nam Carolina vào cuối tuần rồi, bà Clinton đang tỏ ra tự tin về một chiến thắng áp đảo đối thủ Bernie Sanders, thượng nghị sĩ bang Vermont, trong ngày “siêu thứ ba”. Các cuộc thăm dò mới nhất càng củng cố niềm tin này: Ông Sanders chỉ đang dẫn trước tại bang quê nhà và Oklahoma, trong khi bà Clinton vượt trội tại những địa phương còn lại. Báo The Washington Post tiết lộ bà Clinton thậm chí đã bắt đầu nghĩ đến khả năng đối đầu với ông Trump trong cuộc “so găng” cuối cùng cho chiếc ghế ở Nhà Trắng ngay cả trước khi sự kiện ngày “siêu thứ ba” diễn ra.
Do đó, không có gì khó hiểu khi chiến dịch vận động tranh cử của bà Clinton trong tuần này còn nhằm vào cả tỉ phú Trump chứ không chỉ đối thủ trực tiếp Sanders. Chẳng hạn, cựu ngoại trưởng Mỹ hôm 29-2 bóng gió cáo buộc tỉ phú Mỹ đang làm tổn hại đất nước bằng những luận điệu thù hằn, lời lẽ xúc phạm…
Một phụ tá giấu tên của bà Clinton còn chỉ ra rằng bà chính là ứng viên đầu tiên (tính luôn cả Đảng Dân chủ và GOP) trực tiếp chỉ trích những bình luận mang tính xúc phạm của ông Trump về người nhập cư Mexico và người tị nạn Syria. Vì thế, trong trường hợp ông Trump trở thành ứng viên chính thức của GOP, những lời lẽ trên sẽ trở thành thứ vũ khí được phe bà Clinton sử dụng với hy vọng lôi kéo khối cử tri gốc thiểu số, như Latin, châu Á… Không chịu thua kém, ông Trump hôm 29-2 cho rằng lẽ ra bà Clinton không được phép ra tranh cử nhưng dự báo ông sẽ đánh bại bà trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Kẻ gây chia rẽ sáng giá
Vào thời điểm mà lẽ ra phải đoàn kết nghĩ cách hạ gục bà Hillary Clinton, người được đánh giá nhiều khả năng trở thành ứng viên tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ, Đảng Cộng hòa lại vướng vào cuộc khủng hoảng gây chia rẽ dữ dội. “Thủ phạm” gây mất ổn định nội bộ không ai khác chính là tỉ phú Donald Trump.
Theo đài CNN, nhiều thủ lĩnh Cộng hòa công khai đặt vấn đề liệu đảng này có thể “nhìn về một hướng” trong cuộc bầu cử năm nay? Lúc này, nhiều đối thủ đồng đảng của ông Trump mong muốn đã thành hiện thực: Các bậc tiền bối trong đảng liên tục công kích nhà tỉ phú.
Đơn cử, ông Mitt Romney, ứng viên tổng thống của Cộng hòa năm 2012, cáo buộc ông Trump là kẻ cố chấp đáng ghét hôm 29-2, còn thượng nghị sĩ bang Nebraska Ben Sasse cam kết chưa bao giờ ủng hộ một người thường xuyên chia rẽ người Mỹ như ông trùm truyền thông. Với uy tín của mình, thượng nghị sĩ bang Texas John Cornyn, nhân vật số 2 của Đảng Cộng hòa tại thượng viện Mỹ, cũng nhấn mạnh việc đề cử ông Trump có thể khiến Đảng Cộng hòa khó duy trì số ghế tại thượng viện trong năm nay.
Nhưng cũng không ít nhân vật có ảnh hưởng ủng hộ ông Trump. Báo The Washington Post cho biết theo chân Thống đốc bang Jersey Chris Christie, thượng nghị sĩ kỳ cựu Jeff Sessions ở bang Alabama đã lên tiếng ủng hộ tỉ phú Trump. Ông này đoan chắc Donald Trump sẽ làm được điều dân chúng Mỹ đã yêu cầu trong 30 năm và chính quyền cũng đã hứa hẹn suốt 30 năm qua: Ổn định tình trạng nhập cư trái phép.
Đồng minh của 2 thượng nghị sĩ Marco Rubio và Ted Cruz, những người đang bám đuổi tỉ phú Trump, khẳng định vẫn còn thời gian lật ngược thế cờ. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy điều ngược lại. Nhiều cử tri Đảng Cộng hòa ủng hộ ông Trump vì tin rằng ông là lựa chọn tốt nhất để điều hành kinh tế Mỹ - vẫn đang chật vật sau cuộc khủng hoảng năm 2008 - nhờ vị thế tỉ phú tài phiệt. Nhiều người khác chọn ông để phản ứng “lối lãnh đạo nhạt nhòa” hiện nay của Nhà Trắng. Mệt mỏi với thái độ do dự mà Washington thể hiện trước mối đe dọa khủng bố cũng là một lý do đáng kể.
Trước tình hình đó, ông Richard Wadhams, từng là thủ lĩnh phe Cộng hòa ở bang Colorado, nhận định nhiều thành viên Đảng Cộng hòa sẵn sàng chấp nhận ông Trump mặc dù không ủng hộ ông ta.
Lục San
Bình luận (0)