Tại những bang này, cử tri thường không nghiêng hẳn về một bang mà có thể bỏ phiếu cho những đảng khác nhau. Nói cách khác, tỉ lệ cử tri ủng hộ ứng viên hai đảng Dân chủ và Cộng hòa chênh lệch không lớn lại những bang này.
Theo thống kê, đa số cử tri tại 38 bang bỏ phiếu cho ứng viên một đảng (Cộng hòa hoặc Dân chủ) kể từ cuộc bầu cử tổng thống năm 2000. Điều này đồng nghĩa việc dự đoán kết quả bỏ phiếu tại những bang này không quá khó.
Theo đài Al Jazeera, thành trì của đảng Dân chủ thường là các bang đông dân ở bờ Đông và bờ Tây. Trong khi đó, đảng Cộng hòa lại mạnh ở miền Nam và miền Trung đất nước.
Vì thế, kết quả tại những bang chiến trường có thể quyết định thành bại của một ứng viên.
Cử tri xếp hàng bỏ phiếu sớm tại bang chiến trường Florida hôm 19-10. Ảnh: Reuters
Lịch sử các bang chiến trường
Có lý do để bang chiến trường tồn tại ở Mỹ, bởi hệ thống bầu cử tại nước này được thiết kế xoay quanh các bang.
Ông John Hudak, nhà nghiên cứu tại Viện Brooklings (Mỹ), cho rằng chính cuộc đua sít sao giữa 2 ứng viên Aaron Burr và Thomas Jefferson vào năm 1800 đã làm gia tăng sự quan tâm đối với việc nỗ lực chiến thắng tại một số bang nhất định.
Trong khi đó, chuyên gia David Schultz nhận định bang chiến trường bắt đầu thật sự xuất hiện trong bối cảnh nội chiến 1861-1865 nổ ra. "Vào năm 1860, vấn đề nô lệ đã tạo ra những bang rung lắc như Ohio" - ông Schulz giải thích.
Đảng Cộng hòa ra đời trước đó vài năm (1854) ở bang Wisconson và phát triển ở miền Trung Tây. Đảng này được biết đến vì lập trường ủng hộ bãi bỏ chế độ nô lệ.
"Các bang miền Bắc bỏ phiếu cho ông (Abraham) Lincoln (trong cuộc bầu cử năm 1864). Các bang miền Nam bỏ phiếu cho ứng viên đảng Dân chủ. Chính những bang như Ohio đóng vai trò phá vỡ thế cân bằng. Không ứng viên đảng Cộng hòa nào thắng cử nếu không thắng ở bang Ohio" - ông Schultz nói thêm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vận động tranh cử tại bang chiến trường Ohio hôm 21-9. Ảnh: Reuters
Theo trang History, thuật ngữ "bang rung lắc" được báo The New York Times sử dụng lần đầu tiên vào năm 1936, thời điểm ứng viên Franklin D. Roosevelt tranh cử ở miền Tây. Tuy nhiên, sự quan tâm cho các bang này chỉ tăng mạnh trong cuộc bầu cử năm 2000.
"Mỗi lá phiếu đều quan trọng"
Câu nói "mỗi lá phiếu đều quan trọng" đặc biệt đúng tại các bang chiến trường. Các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có kết quả sít sao thể hiện rõ điều này.
Trong cuộc bầu cử năm 1948, ứng viên Harry S. Truman của đảng Dân chủ đánh bại đối thủ Thomas Dewey với số phiếu bầu nhiều hơn chưa đến 1 điểm % tại một số bang chiến trường, trong đó có Ohio. Cuộc đua quá sít sao đến nỗi có tờ báo đăng tin sai là ông Dewey thắng cử.
Trong cuộc đua vào Nhà Trắng giữa 2 ứng viên Richard M. Nixon và John F. Kennedy năm 1960, kết quả thắng thua tại 10 bang chỉ chênh lệch chưa đến 2 điểm % phiếu bầu. Còn vào năm 2000, ông George W. Bush chỉ thắng cử nhờ giành nhiều hơn đối thủ 537 phiếu tại bang Florida.
Tầm quan trọng của các bang chiến trường khiến các ứng viên chi ít nhất 75% ngân sách tranh cử để thu hút cử tri tại những địa phương này.
Ứng viên tổng thống Joe Biden vận động tranh cử tại bang chiến trường Ohio hôm 12-10. Ảnh: Reuters
Lịch sử có lặp lại với ông Trump?
Trong cuộc bầu cử năm 2016, ông Donald Trump đánh bại bà Hillary Clinton nhờ thắng tại 6/10 bang chiến trường có sự cạnh tranh gắt gao nhất.
Theo dự báo, các bang chiến trường tiềm tàng trong cuộc đua sắp tới giữa ông Trump và đối thủ Joe Biden là Arizona, Florida, Georgia, Iowa, Maine, Michigan, Minnesota, Nebraska, Nevada, New Hampshire, Bắc Carolina, Ohio, Pennsylvania, Wisconsin. Đó là lý do cả hai ứng viên đang chạy nước rút vận động ở các bang kể trên khi ngày bỏ phiếu chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa.
Trong số này, theo tờ The Guardian (Anh), 8 bang có thể quyết định kết quả cuộc bầu cử là Florida, Pennsylvania, Ohio, Michigan, Bắc Carolina, Arizona, Wisconsin, Iowa. Kết quả các cuộc thăm dò mới cho thấy ông Trump chỉ dẫn trước tại 2 bang (Ohio, Iowa) trong lúc ông Biden thắng thế tại 6 bang còn lại.
Tuy nhiên, tờ The Guardian cũng nhắc nhở rằng bài học từ các cuộc thăm dò năm 2016 cho thấy không điều gì là chắc chắn về cuộc đua vào Nhà Trắng sắp tới.
Bình luận (0)