Cử tri Hy Lạp đi bỏ phiếu ngày 17-6. Ảnh: Reuters
Ông Koula Louizopoulou, giáo viên 66 tuổi, cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy chán nản sau khi bỏ phiếu vì biết rằng tôi lại bầu cho những người đã gây ra vấn đề. Thế nhưng, chúng tôi không có sự chọn lựa nào khác. Tôi ủng hộ sự cứu trợ vì đó là điều kiện giữ chúng tôi ở lại cộng đồng châu Âu”.
Cuộc thăm dò mới nhất cho thấy Đảng Syriza cánh tả cấp tiến (phản đối cứu trợ tài chính) và Đảng Dân chủ mới bảo thủ (ủng hộ cứu trợ tài chính) đang nhận được sự ủng hộ ngang bằng nhau. Nhiều khả năng không đảng nào giành chiến thắng tuyệt đối để thành lập chính phủ riêng, có nghĩa là một liên minh sẽ được hình thành để tránh một cuộc bầu cử khác.
Tất cả các đảng phái ở Hy Lạp đều khẳng định họ sẽ giữ nước này ở lại eurozone. Liên hiệp châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khăng khăng cho rằng các điều kiện của thỏa thuận cứu trợ 130 tỉ euro đã nhất trí hồi tháng 3 phải được chính phủ mới chấp nhận hoàn toàn, nếu không, các khoản tài trợ sẽ bị cắt và đẩy Hy Lạp vào tình trạng phá sản. Trong khi đó, Đức cảnh báo Hy Lạp rằng sự cứu trợ trên sẽ không được thương lượng lại.
Thế nhưng, thủ lĩnh Đảng Syriza, ông Alexis Tsipras, tin rằng thỏa thuận trên có thể thương lượng lại mà Hy Lạp không phải rời khỏi eurozone. Ông đoan chắc rằng các nhà lãnh đạo châu Âu không thể để xảy ra tình trạng náo loạn bằng cách loại bỏ một thành viên eurozone. Bên cạnh đó, mặc dù cũng muốn thương lượng lại một số khía cạnh của gói cứu trợ, thủ lĩnh Đảng Dân chủ Mới Antonis Samaras nhấn mạnh rằng phản đối sự cứu trợ của EU/IMF có nghĩa là quay lại sử dụng đồng drachma Hy Lạp và đối mặt với tai họa lớn hơn.
Các cuộc thăm dò cho thấy người dân Hy Lạp nói chung muốn ở lại eurozone nhưng phẫn nộ trước tình trạng tăng thuế, giảm chi tiêu và cắt giảm lương. Nhiều cử tri cũng tức giận Đảng Dân chủ mới và Đảng PASOK (nay đã suy yếu nhiều), cáo buộc họ tham nhũng, hoang phí và không hiệu quả trong nhiều thập kỷ qua.
Bình luận (0)