Ủy ban Bầu cử Thái Lan công bố kết quả bầu cử sơ bộ của 350 ghế hạ viện do cử tri trực tiếp chọn ra vào đêm 25-3, song kết quả kiểm 100% phiếu bầu sẽ không được công bố cho đến ngày 29-3. Điều này có nghĩa là các đảng phái và cử tri Thái Lan phải chờ đến thời điểm nêu trên để biết kết quả của 150 ghế hạ viện còn lại vì chúng được tính theo tỉ lệ số phiếu mỗi đảng giành được sau bầu cử.
Trước đó, vào ngày 24-3, Thái Lan tiến hành cuộc tổng tuyển cử đầu tiên kể từ khi xảy ra đảo chính quân sự năm 2014 lật đổ chính quyền cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, em gái cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Cuộc tổng tuyển cử này thực chất là bầu cử Hạ viện vì theo Hiến pháp năm 2017 (bị chỉ trích là được soạn thảo để giúp các lực lượng thân quân đội nắm quyền), 250 ghế Thượng viện sẽ được Hội đồng Hòa bình và Trật tự quốc gia (NCPO) chỉ định.
Kết quả bầu cử sơ bộ được Ủy ban Bầu cử Thái Lan công bố vào đêm 24-3 cho thấy với 94% số phiếu phổ thông được kiểm, đảng thân quân đội Palang Pracharat dẫn đầu với 7,69 triệu phiếu bầu - nhiều hơn đối thủ xếp ở vị trí thứ hai là Đảng đối lập chính Pheu Thai có liên hệ với cựu Thủ tướng Thaksin 490.000 phiếu.
Lãnh đạo Đảng Pheu Thai, bà Sudarat Keyuraphan, ngày 25-3 cho biết đang cân nhắc thách thức pháp lý vì “những bất thường liên quan đến bầu cử”Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, số phiếu phổ thông không phản ánh số ghế do cử tri trực tiếp bầu chọn. Lãnh đạo Đảng Pheu Thai, bà Sudarat Keyuraphan, trong cuộc họp báo hôm 25-3 khẳng định đảng của bà giành được nhiều ghế do cử tri trực tiếp chọn nhất và sẽ liên minh với những đảng khác có cùng tư tưởng để đạt ngưỡng 376 ghế thành lập chính phủ mới, kể cả khi thất bại trong cuộc bỏ phiếu phổ thông.
Chưa hết, bà Sudarat còn bày tỏ hoài nghi về tính chính xác của kết quả bầu cử sơ bộ nói trên, đồng thời tuyên bố cân nhắc thách thức pháp lý vì điều mà bà mô tả là "những bất thường liên quan đến bầu cử".
"Trước đây, chúng tôi từng bày tỏ lo lắng về vấn đề mua chuộc phiếu bầu, gian lận bầu cử và lạm quyền. Có biểu hiện cho thấy cả 3 điều này đã xảy ra. Chúng tôi sẽ đáp trả bằng các hành động pháp lý" - bà Sudarat nhấn mạnh. Tương tự, Đảng Hướng đến Tương lai (FFP) cũng bày tỏ ngờ vực đối với các số liệu bầu cử vì cho rằng "chúng không hợp lý".
Kết quả bầu cử nói trên đã khiến nhiều người bất ngờ hay thậm chí là hoài nghi bởi đảng đối lập chính Pheu Thai luôn giành chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử kể từ năm 2001. Theo Reuters, những người chỉ trích khẳng định cuộc bầu cử này đã bị "bóp méo một cách có hệ thống" để thiên vị các lực lượng thân quân đội - ám chỉ Hiến pháp năm 2017.
Họ thông qua mạng xã hội Twitter thể hiện sự tức giận và thất vọng đối với cuộc bầu cử được mong đợi này. Phe chỉ trích còn bày tỏ hoài nghi đối với "những bất thường" liên quan đến việc kiểm phiếu, chẳng hạn như gần 2 triệu phiếu bầu bị loại vì không hợp lệ. Chưa hết, họ còn đề cập "những điểm không hợp lý" giữa số lượng cử tri và phiếu bầu ở một số khu vực. Một số người còn bày tỏ hoài nghi về tuyên bố của Ủy ban Bầu cử Thái Lan nói rằng tỉ lệ cử tri đi bầu chỉ đạt khoảng 66% - thấp hơn nhiều so với dự đoán ban đầu.
Tính đến chiều 25-3, đơn kiến nghị trực tuyến được thành lập cùng ngày để kêu gọi luận tội Ủy ban Bầu cử Thái Lan đã tăng từ 200.000 chữ ký lên hơn 511.000 chữ ký trong vỏn vẹn vài giờ.
FFP - ngôi sao mới nổi
Một trong những ngôi sao của cuộc bầu cử hôm 24-3 là Đảng Hướng đến Tương lai (FFP) mới được thành lập. Với 5,3 triệu phiếu bầu nhận được trong tổng số 94% số phiếu phổ thông được kiểm, FFP đã có màn ra mắt chính trường Thái Lan đầy ấn tượng và đang trên hành trình trở thành đảng lớn thứ ba của quốc gia này. Cùng với những chính sách tiến bộ và chiến lược hoạt động khôn khéo trên mạng xã hội, FFP được những cử tri trẻ tuổi đặc biệt yêu thích.
Bình luận (0)