Ngày 10-6, Quốc hội Nepal đã thông qua luật tước bỏ quyền phủ quyết của vua Gyanendra đối với mọi sắc luật của Quốc hội. Từ nay các nghị sĩ không cần vị vua này có chấp thuận hay không khi ban hành bất cứ luật lệ nào của chính phủ. Chủ tịch Quốc hội Nepal Subash Nem Wang tuyên bố: “Quy định mới đã tước bỏ tất cả thẩm quyền của nhà vua trong Quốc hội. Kể từ nay, Quốc hội hoàn toàn độc lập trong việc soạn thảo và thi hành mọi sắc luật mới”.
Vua Gyanendra là em trai quốc vương Nepal Biendra, lên ngôi tháng 6-2001 sau vụ con trai quốc vương là hoàng tử Dipendra nổi loạn giết cha và nhiều người trong hoàng gia để chiếm ngôi. Chiếm ngai vàng được 3 ngày thì tên hoàng tử bất hiếu này tự sát và chú ruột Gyanendra lên thay anh trị vì đất nước. Từ năm 2002 đến năm 2005, ông đã cách chức 3 thủ tướng, chiếm toàn bộ quyền hành của chính phủ, trở thành nhà độc tài. Vụ thảm sát Hoàng gia Nepal làm xáo trộn đời sống một đất nước từ nhiều thập kỷ nay lâm vào khủng hoảng toàn diện do lực lượng chống đối gây ra.
Quyết định mới của Quốc hội Nepal nằm trong một loạt sắc luật được thi hành để tước bỏ mọi quyền lực của vua Gyanendra sau nhiều tuần lễ phản kháng của dân chúng chống chế độ độc tài của nhà vua, buộc ông phải từ bỏ quyền lực từ tháng 4 năm nay. Tháng 5 vừa qua, ông cũng đã bị tước bỏ quyền chỉ huy quân đội, quyền được miễn trừ về mặt pháp luật và quyền được miễn thuế thu nhập. Từ nay, ông mất luôn cả chức vị quốc trưởng, chỉ còn là “ông hoàng làm lễ tân”, một chức tước hữu danh vô thực. Cũng không còn nữa kiểu xưng hô “chính phủ của bệ hạ Gyanendra” mà trở lại với cách gọi cũ “Chính phủ Nepal”. Bệ hạ đã bị hạ bệ do ý nguyện của toàn dân.
Bình luận (0)