Trước khi vòng đàm phán mới nhất dự kiến được nối lại ở TP Geneva - Thụy Sĩ trong ngày 14-3, chính phủ Syria đã bác bỏ đòi hỏi thảo luận về số phận của Tổng thống Bashar al-Assad. Trong khi đó, phe đối lập tuyên bố sẽ không thể có giai đoạn chuyển tiếp chính trị nếu ông Assad vẫn còn nắm quyền.
Lập trường trái ngược nhau này cho thấy vẫn còn không ít thách thức chờ đợi các nhà ngoại giao giữa lúc thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 27-2 mang lại hy vọng mong manh về một kết quả khả quan tại cuộc gặp sắp tới.
Trước thềm cuộc đàm phán, Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem xác nhận sự tham gia của chính phủ nước này nhưng cho rằng cuộc đàm phán sẽ thất bại nếu phe đối lập có ảo tưởng rằng tại Geneva, họ sẽ giành được thứ quyền lực mà họ không thể đạt được trên chiến trường.
Ông Moualem còn chỉ trích đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Staffan de Mistura vì tiết lộ chương trình nghị sự của cuộc đàm phán cùng với phát biểu rằng cuộc bầu cử tổng thống Syria sẽ diễn ra trong vòng 18 tháng nữa.
“Phái đoàn chính phủ Syria sẽ bác bỏ mọi nỗ lực đưa điều đó vào chương trình nghị sự” - ông Moualem tuyên bố tại cuộc họp báo hôm 12-3. Cũng theo ông Moualem, phái đoàn Damascus đến Geneva ngày 13-3 nhưng sẽ trở về nước nếu phe đối lập không xuất hiện trong vòng 24 giờ sau đó.
Đáp lại, nhà thương thuyết Mohamad Alloush của phe đối lập lên tiếng bác bỏ phát biểu của ông Moualem, đồng thời nhấn mạnh “tiến trình chuyển tiếp sẽ bắt đầu với sự sụp đổ của chế độ Bashar al-Assad hoặc cái chết của ông ấy”.
Trong khi đó, ông Monzer Makhous, người phát ngôn Ủy ban Đàm phán Cao cấp (HNC), nhóm đối lập chính được Ả Rập Saudi hậu thuẫn, cáo buộc ông Moualem đang tìm cách phá hoại cuộc hòa đàm Geneva.
Trái với Damascus, HNC đã lên tiếng hoan nghênh chương trình nghị sự được ông Mistura đưa ra vì nó tập trung vào vấn đề lãnh đạo, hiến pháp mới và bầu cử ở Syria.Theo đài BBC, HNC cho biết sẽ thúc đẩy việc thành lập một chính phủ lâm thời có đầy đủ quyền hành pháp, trong đó ông Assad nói riêng và giới lãnh đạo Syria hiện nay không có vai trò nào.
Ngoại trưởng Moualem khẳng định khả năng cao nhất là Damascus chấp nhận thành lập chính phủ thống nhất dân tộc với sự tham gia của phe đối lập nhưng ý tưởng này đã bị HNC bác bỏ. Nhà ngoại giao này còn bác bỏ khả năng liên bang hóa - một trong những ý tưởng được người Kurd (đang kiểm soát nhiều khu vực ở miền bắc Syria) ủng hộ và được một bộ trưởng Nga đề cập như một khuôn mẫu khả thi cho Syria.
Trả lời phỏng vấn kênh Al Jazeera hôm 12-3, đặc phái viên Mistura không loại trừ trường hợp các bên đàm phán ở Geneva thảo luận về khả năng liên bang hóa Syria. Đồng thời, ông chú ý đến tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này vốn đang bị chia năm xẻ bảy.
Thời gian diễn ra cuộc đàm phán nêu trên trùng với dịp kỷ niệm 5 năm nổ ra cuộc nội chiến Syria (15-3-2011) khiến hơn 250.000 người thiệt mạng, gây ra cuộc khủng hoảng tị nạn tồi tệ nhất thế giới và tạo điều kiện cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bành trướng.
Dù vậy, thỏa thuận ngừng bắn, do Mỹ và Nga làm trung gian, đang được tôn trọng nhiều hơn mong đợi dù giao tranh vẫn tiếp diễn trên một số mặt trận quan trọng, kể cả khu vực gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Quốc phòng Nga hôm 13-3 cho biết đã ghi nhận được 10 vụ vi phạm ngừng bắn trong 24 giờ trước đó.
Theo báo Vzglyad, một nguồn tin quân đội Syria cho biết 1 trong 2 phi công trên chiến đấu cơ MiG-21US của chính phủ Syria đã tử vong khi tìm cách hạ cánh chiếc máy bay bị phe nổi dậy bắn ngày 12-3. Trước đó, quân đội Syria cáo buộc các phần tử nổi dậy vi phạm thỏa thuận ngừng bắn khi bắn chiếc máy bay đang hạ cánh gần căn cứ quân sự ở tỉnh miền Trung Hama. Trái lại, các nhà hoạt động đối lập cho biết chiếc máy bay này đã không kích các vị trí của quân nổi dậy tại thị trấn Kafar Nabodeh thuộc tỉnh Hama.
Nhóm nổi dậy Jaish al-Nasr hoạt động trong khu vực này khẳng định đã bắn hạ chiếc máy bay bằng súng phòng không. Tuy nhiên, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho rằng tên lửa đã được sử dụng để bắn máy bay trên.
Bình luận (0)