Các nhà lãnh đạo EU dự kiến thảo luận về mối quan hệ với Nga và Anh trong 2 ngày 24 và 25-5 nhưng chuyển hướng sang cân nhắc các biện pháp trừng phạt đối với Belarus. Trước đó, máy bay của Hãng hàng không Ryanair (Ireland) đang trên hành trình từ thủ đô Athens - Hy Lạp đến thủ đô Vilnius - Lithuania thì được cơ quan kiểm soát không lưu Belarus thông báo về "mối đe dọa an ninh tiềm ẩn".
Chiếc máy bay được yêu cầu hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay gần nhất ở Minsk. Sau khi hạ cánh, hành khách rời khỏi máy bay và chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra. Chuyến bay được nối lại sau khi không phát hiện mối đe dọa nào.
Tuy nhiên, hành khách Roman Protasevich, 26 tuổi, bị giữ lại. Protasevich, cựu chủ biên kênh tin tức Telegram Nexta, là người từng điều phối các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hồi năm ngoái. Theo tờ The Washington Post (Mỹ), Protasevich sống lưu vong sau khi bị liệt vào danh sách truy nã gắt gao nhất của Belarus.
Vấn đề trở nên phức tạp khi xuất hiện thông tin chính Tổng thống Lukashenko ra lệnh điều chiến đấu cơ Mig-29 lên đưa máy bay của Ryanair xuống. Động thái trên làm dấy lên nghi vấn liệu đe dọa đánh bom có phải là động tác giả để bắt giữ Protasevich hay không.
Theo tờ The Washington Post, việc điều chiến đấu cơ ép máy bay thương mại hạ cánh là chuyện hiếm nhưng từng xảy ra. Hồi năm 2015, máy bay chiến đấu của Mỹ hộ tống một máy bay thương mại sau khi có đe dọa đánh bom. Vụ việc tương tự diễn ra với máy bay của Hãng hàng không Qatar Airways năm 2014.
Những người ủng hộ nhà hoạt động đối lập Roman Protasevich (ảnh nhỏ) chờ chuyến bay Ryanair tại thủ đô Vilnius - Lithuania hôm 23-5 Ảnh: REUTERS
Cục Hàng không Liên bang Mỹ cho rằng hành động như vậy được thực hiện vì lợi ích an ninh hoặc quốc phòng quốc gia. Điều này phù hợp với các quy tắc quốc tế về an toàn hàng không theo Công ước Chicago được ký năm 1944.
Trong trường hợp Belarus, quốc gia đã ký Công ước Chicago, cho rằng an toàn hàng không bị đe dọa thì nước này có thể đưa ra hành động tương ứng. Tuy nhiên, Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO) cho rằng Belarus có thể đã vi phạm hiệp ước hàng không cốt lõi nêu trên. Theo hãng tin RIA Novosti, Bộ Giao thông Belarus đã thành lập một ủy ban điều tra vụ việc và dự kiến sẽ sớm công bố kết quả.
Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda chỉ trích "vụ bắt người bằng vũ lực quân sự chưa từng có", đồng thời kêu gọi NATO và Liên minh châu Âu (EU) hành động. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki mô tả đây là "hành động khủng bố quốc gia", còn Hy Lạp gọi hành động ép máy bay hạ cánh của chính quyền Belarus là "cướp máy bay".
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng cần điều tra quốc tế về "vụ việc nghiêm trọng và nguy hiểm" này. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng lên án mạnh mẽ vụ bắt giữ và kêu gọi trả tự do cho Protasevich. Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, cảnh báo bất kỳ hành vi vi phạm quy tắc vận tải hàng không quốc tế nào cũng đều phải gánh chịu hậu quả.
Bình luận (0)