“Bệnh bại liệt đang tiếp diễn ở một số nơi của các nước này… do nhà chức trách không kiên trì đến với từng đứa trẻ”, Steve Cochi - một cố vấn cao cấp về chủng ngừa toàn cầu tại Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) kiêm chủ tịch ủy ban cố vấn chuyên giám sát các nỗ lực của quốc tế đối với việc loại trừ bệnh bại liệt - cho biết.
“Thế giới sẽ phải đối mặt với hơn 250.000 ca mắc bệnh bại liệt mỗi năm nếu chúng ta không chấm dứt được căn bệnh này ở 4 nước vẫn còn bệnh bại liệt”, ông nói.
Kể từ khi đợt phát động tiệt trừ bệnh bại liệt được khởi đầu vào năm 1988 đến nay, đã có hơn 2 tỷ trẻ được chủng ngừa trong các chương trình tiêm vaccine đến từng hộ gia đình. Tuy nhiên Tổ chức y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF)… đã thất bại trong mục tiêu ngăn sự lây lan của bệnh bại liệt vào cuối năm 2005.
Cochi nói thất bại trong việc giải quyết bệnh bại liệt ở các nước có thể sẽ gây ra một “đợt trỗi dậy khổng lồ” của căn bệnh này, khiến nhiều trẻ phải bị liệt suốt đời hay tử vong.
. Trong một diễn biến khác, Kenya vừa phát hiện ca bại liệt đầu tiên sau hơn 2 thập kỷ làm dấy lên các mối lo ngại về một đợt dịch bại liệt mới ở nước này. Bệnh nhân là một bé gái 3 tuổi đang ở trại tị nạn Hagadera, miền đông Kenya. Bé được chẩn đoán mắc bệnh bại liệt mặc dù đã được chủng ngừa bại liệt đầy đủ.
Hiện các nhóm chuyên gia y tế Kenya phối hợp với các chuyên gia WHO và UNICEF đã được gửi đến khu vực này để xác minh xem còn có trẻ nào bị bại liệt nữa không và tiêm ngừa cho những trẻ có thể đã không tham gia các chiến dịch tiêm ngừa trước đó.
Bình luận (0)