Bàn về cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 lúc này hẳn là quá sớm. Thế nhưng, số 0 gắn liền với lời nguyền Tecumseh ở cuối năm này lại khiến nhiều người Mỹ không thể không lo xa.
Ám 7 đời tổng thống Mỹ
Điều kỳ lạ là lời nguyền kỳ quái nêu trên lại linh ứng với ít nhất 7 đời tổng thống Mỹ liên tiếp, cứ cách nhau 20 năm lại xảy ra một trường hợp, từ năm 1840 đến 1960.
Hiện tượng này đến nay vẫn là chủ đề của hàng loạt nghiên cứu nghiêm túc của các chuyên gia về điều bí ẩn và thần số học. Dù vẫn chưa ngã ngũ liệu đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay một quy luật bi thảm, câu chuyện về lời nguyền Tecumseh đã trở thành một phần của văn hóa Mỹ, thậm chí còn được dạy trong các bài học lịch sử.
Ông chủ Nhà Trắng được cho là “nạn nhân” đầu tiên của lời nguyền này là Tổng thống Mỹ thứ 9 William Henry Harrison đắc cử năm 1840. Ông từng là tướng chỉ huy quân đội Mỹ đánh bại đội quân da đỏ bộ tộc Shawnee do thủ lĩnh Tecumseh dẫn đầu trong trận chiến Tippecanoe nổi tiếng năm 1811. Thắng cử với 56% phiếu bầu nhưng nhiệm kỳ của người hùng xứ sở cờ hoa gần như chưa kịp bắt đầu. Bài phát biểu kéo dài 1 giờ 40 phút của tân tổng thống diễn ra trong một ngày mưa gió bão bùng tháng 3. Ông bị cảm lạnh rồi qua đời 1 tháng sau đó vì bệnh viêm phổi.
Hai mươi năm sau, ông Abraham Lincoln trở thành người Cộng hòa đầu tiên trúng cử tổng thống. Nước Mỹ nhanh chóng chìm vào cuộc nội chiến kéo dài từ năm 1861 đến 1865. Tới ngày 9-4-1865, tướng Robert E. Lee đầu hàng tướng Ulysses S. Grant, chấm dứt chia cắt đất nước. Chỉ 5 ngày sau, Tổng thống Lincoln bị tay súng ủng hộ phương Nam là John Wilkes Booth ám sát.
Tổng thống Mỹ thứ 20 James Garfield đắc cử năm1880 nhưng chỉ sống vỏn vẹn 4 tháng trong nhiệm kỳ. Ông bị Charles J.Guiteau, một kẻ thần kinh không ổn định, giết hại. Guiteau bị xử tử treo cổ năm 1882.
Năm 1900, Tổng thống William McKinley tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2, một lần nữa đánh bại đối thủ William Jennings Bryan giống như kịch bản tranh cử 4 năm trước đó. Vào ngày 6-9-1901, vị tổng thống 58 tuổi mất mạng sau khi bị một kẻ tự nhận là kẻ thù của Jesu có tên Leon F.Czolgosz ám sát. Trước khi phải lên ghế điện 1 tháng sau đó, Leon thừa nhận hắn giết Tổng thống McKinley bởi “ông ta là kẻ thù của nhân dân’’.
Năm 1920, sau những mệt mỏi của Thế chiến I, cử tri Mỹ lạnh lùng quay lưng với đương kim Tổng thống Thomas Woodrow Wilson và dành lá phiếu cho đối thủ của ông là Warren G. Harding. Tuy vậy, vị tổng thống mới cũng gây thất vọng không kém, thậm chí còn bị coi là một trong những lãnh đạo tệ nhất của nước Mỹ. Tên tuổi của Tổng thống Harding gắn liền với nhiều tai tiếng, trong đó có vụ buôn bán dầu lửa Teapot Dome - một trong những bê bối chấn động nhất trong lịch sử nước này. Ông qua đời vì đau tim tại khách sạn Palace sau 881 ngày tại vị, ghi danh vào danh sách những ông chủ Nhà Trắng có nhiệm kỳ ngắn ngủi nhất.
Trái ngược với ông Harding, Tổng thống Franklin Delano Roosevelt nằm trong số những ông chủ Nhà Trắng được lòng dân nhất và đắc cử tổng thống tới 4 lần. Ông qua đời vào năm 1945, không bao lâu sau khi đắc cử nhiệm kỳ thứ 4. Theo trang American History, vì nhiệm kỳ thứ 3 của vị tổng thống Mỹ thứ 32 này rơi vào năm 1940 - một năm kết thúc bằng số 0 nên vẫn được coi là một phần của lời nguyền Tecumseh.
Thủ lĩnh da đỏ “trả thù”
Năm 1960 đánh dấu chiến thắng của vị tổng thống trẻ nhất của nước Mỹ John F.Kenedy. Ông chủ Nhà Trắng gánh trên vai nhiều kỳ vọng trải qua nhiệm kỳ ngắn ngủi nhưng đầy biến động với sự kiện Vịnh Con heo, sự ra đời của Bức tường Berlin và khủng hoảng tên lửa Cuba. Ngày 22-11-1961, ông bị ám sát ở Dallas.
Một số nhà chiêm tinh đổ lỗi hiện tượng này cho chu kỳ sao Thổ cứ 20 năm lại dịch chuyển tới một vị trí mang điềm gở. Song, họ lại không giải thích được tại sao điềm gở đó lại chỉ nhằm vào các tổng thống Mỹ. Trong khi đó, nhiều người lại cảm thấy bị thuyết phục với lời nguyền Tecumseh.
Theo sử sách, thủ lĩnh Tecumseh quả cảm chủ trương không dâng đất đai của người da đỏ bản địa cho chính quyền Mỹ. Ông dẫn đầu những người Mỹ bản địa từ Tây Bắc, phương Nam và phía Đông thung lũng Mississippi chống lại đội quân của tướng Harrison.
Trong trận chiến Tippecanoe năm 1811, Tecumseh vắng mặt do đang huấn luyện tân binh. Tenskvatava - người anh em song sinh của ông, có biệt danh là Nhà tiên tri - dẫn đầu lực lượng nghênh chiến và thất bại trước đội quân của tướng Harrison.
Khi Tecumseh trở lại, ông đã trả tự do cho những tù binh của trận chiến và gửi một lá thư tới tướng Harrison với nội dung được lịch sử ghi nhận là “lời nguyền Tecumseh”. Trong thư, Tecumseh nói rằng tướng Harrison sẽ thắng cử vào năm 1840 và sẽ chết khi còn tại chức… “Khi đó, các người sẽ nhớ về cái chết của người Shawnee. Sau ông ta, mỗi tổng thống Mỹ được bầu mỗi 20 năm sau đó sẽ chết’’ - Tecumseh quả quyết.
Lời nguyền đã bị phá vỡ?
Tổng thống Mỹ thứ 40 Ronald Reagan đắc cử năm 1980 ở tuổi 69. Đây là vị tổng thống Mỹ lớn tuổi nhất. Phải 15 năm sau khi hoàn tất 2 nhiệm kỳ, chính trị gia vốn xuất thân từ diễn viên này mới qua đời khiến một số người cho rằng lời nguyền Tecumseh đã bị phá vỡ. Tuy vậy, ông từng suýt mất mạng chỉ 69 ngày sau khi nhậm chức vì bị ám sát. Nhiều người cho rằng Tổng thống Reagan thoát nạn chính nhờ sự chủ động hóa giải lời nguyền của phu nhân Nancy Reagan bằng các lễ cầu nguyện và thuật chiêm tinh.
Lời nguyền Tecumseh cũng được cho là không hạ gục được Tổng thống George W. Bush (đắc cử năm 2000) khi ông hoàn toàn khỏe mạnh bước qua 2 nhiệm kỳ và kết thúc vào ngày 20-1-2009. Tuy vậy, nhiều người cho rằng Tecumseh đã “ám” vị tổng thống thứ 43 của Mỹ theo một cách khác. Đó là chiến thắng đầy tranh cãi của ông trong cuộc bầu cử điên rồ nhất lịch sử nước Mỹ khiến cho tới nay, nhiều người vẫn khăng khăng rằng đối thủ Al Gore mới thực sự thắng cử. Chưa dừng lại ở đó, ông Bush còn bị một kẻ có tên Vladimir Arutina mưu sát bằng lựu đạn khi đang phát biểu tại Georgia. Tính mạng của vị tổng thống đã khó mà giữ được nếu như quả lựu đạn không gặp trục trặc.
Bình luận (0)