Trong cuộc diễu hành quân sự đánh dấu 105 ngày sinh cố lãnh tụ Kim Nhật Thành nói trên, hình ảnh một toán binh sĩ với trang phục gồm 3 màu chủ đạo cam, nâu và đen cầm súng trường Kalashnikov đã để lại ấn tượng mạnh mẽ.
Họ hô vang khẩu hiệu ủng hộ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong khi ông thích thú đứng xem. Lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên có thể được chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump "mổ xẻ" vào ngày 3-5 khi Nhà Trắng tổ chức một cuộc họp bất thường bàn về khả năng quân sự của Bình Nhưỡng.
Theo các chuyên gia an ninh và quốc phòng Mỹ, không phải tên lửa đạn đạo hay pháo binh Triều Tiên mà chính lực lượng đặc nhiệm - được trang bị vũ khí hóa học hoặc sinh học - mới có khả năng gây ra các cuộc tấn công thương vong lớn cho Hàn Quốc.
Trong vài thập kỷ trở lại đây, lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên (gọi tắt là SOF) đã tham gia một số chiến dịch quân sự chấn động. Các chiến dịch này bao gồm cuộc đột kích vào thủ đô Seoul – Hàn Quốc năm 1968 gây thương vong lớn cho cả 2 nước cùng với sự cố tàu ngầm trinh sát của Triều Tiên mắc cạn ở vùng biển Hàn Quốc năm 1996 khiến Bình Nhưỡng phải huy động lực lượng tìm kiếm.
Theo đánh giá của một quan chức thủy quân lục chiến Mỹ, đường bờ biển của Hàn Quốc cách xa trung tâm dân cư nhưng dễ bị tấn công đổ bộ. Các lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên có thể tiến sang miền Nam bằng tàu đệm khí, trực thăng, tàu ngầm, nhảy dù, đường hầm hay tàu, thuyền.
Số lượng và khả năng thực chiến của SOF không được tiết lộ. Song một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ hồi năm 2015 cho thấy con số này ít nhất là khoảng 180.000 người, gần bằng quân số thủy quân lục chiến Mỹ đang hoạt động. Báo cáo nói thêm Triều Tiên vừa có thể tung ra các cuộc tấn công quy mô lớn vừa đề cao chiến dịch tấn công quy mô nhỏ để tận dụng lợi thế của lính biệt kích.
Các đơn vị chiến thuật SOF phân tán trên khắp Triều Tiên chứ không tập trung tại một địa điểm nhất định. Họ được sử dụng cho mục đích tấn công nhanh, phòng thủ nội bộ hoặc ám sát yếu nhân ở Hàn Quốc.
Đặc nhiệm Triều Tiên hoạt động trong các đơn vị chuyên biệt, bao gồm trinh sát, lực lượng tác chiến trên không, trên biển, biệt kích... Tất cả đều nhấn mạnh vào 2 yếu tố tốc độ và tấn công bất ngờ để hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Kim Jong-un cùng lính đặc nhiệm Triều Tiên. Ảnh: KCNA
Một trường hợp có bóng dáng của đặc nhiệm Triều Tiên được ghi nhận gần đây nhất là vào năm 2015. Hai binh sĩ Hàn Quốc bị thương sau vụ nổ mìn ở khu vực phi quân sự (DMZ). Seoul sau đó cáo buộc quân đội Triều Tiên đột nhập DMZ để đặt mìn, đồng thời đe dọa sẽ khiến Bình Nhưỡng trả giá đắt nhưng cuối cùng không có gì xảy ra.
Ông Bruce Bennett, chuyên gia phân tích an ninh quốc gia tại tổ chức Rand Corp. (Mỹ), cho hay Triều Tiên có thể dùng lực lượng đặc nhiệm để khiêu khích Hàn Quốc trong tương lai, chẳng hạn đánh bom.
Ông Bennett nói rằng Bình Nhưỡng đang sở hữu một số vũ khí kịch độc như VX, sarin (chất độc thần kinh) cũng như khả năng phát động chiến tranh sinh học bằng các vi-rút gây bệnh than, bệnh tả, bệnh dịch hạch và bệnh đậu mùa.
Hàn Quốc đã đề phòng mối đe dọa từ lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên bằng nhiều cách, bao gồm việc dựng hàng rào thép gai xung quanh các tuyến đường thủy nối với Triều Tiên và dựng tháp canh. Các cuộc tập trận quân sự gần đây của Mỹ ở Hàn Quốc như Foal Eagle (Đại bàng non) hồi tháng 3 cũng tập trung một phần vào việc chống lại các đơn vị đặc nhiệm Triều Tiên.
Bình luận (0)