Heo rừng khổng lồ nói trên có màu đen, lông cứng, hai má nhô lên và ngà nhọn. Chúng thường lẩn tránh con người nên ít được bắt gặp trong tự nhiên. Đó cũng là trở ngại khi nhà thám hiểm và sinh thái học hoang dã của tạp chí National Geographic, Rafael Reyna-Hurtado, muốn tìm hiểu về loài động vật này.
Ông Reyna-Hurtado đã theo dõi nhiều loài động vật ít được nghiên cứu ở Uganda. Do thách thức về mặt địa lý nên ông Reyna-Hurtado chọn tìm hiểu về heo rừng khổng lồ ở Đông Phi và quay được những đoạn video quý giá. Từ đó, nhà sinh thái học hoang dã này phát hiện cách những cá thể heo rừng tương tác với nhau trong bầy và địa điểm chúng thường lui tới.
Ví dụ, heo rừng khổng lồ có xu hướng đi theo bầy gồm 3-4 con cái trưởng thành, heo con, một con đực đầu đàn và đôi khi thêm một số con đực khác. Đáng chú ý, heo đầu đàn thường lãnh nhiệm vụ bảo vệ heo con và heo sơ sinh. Chúng tụ tập quanh các khu vực đầm lầy và hay tắm bùn.
Không nhiều người có cơ hội nhìn thấy heo rừng khổng lồ và ông Reyna-Hurtado nói rằng đó là một loài động vật tương đối lớn. Chúng cũng là mục tiêu săn bắn của con người, dẫn đến quần thể heo rừng ở Đông Phi bị giảm xuống mức báo động, tương tự số phận của 17 loài heo hoang dã còn tồn tại hiện nay.
Một con heo rừng khổng lồ có màu đen, lông cứng, hai má nhô lên và ngà nhọn Ảnh: National Geographic
Theo lời kể của Reyna-Hurtado, ông đã ở Công viên Quốc gia Kibale (Uganda) từ năm 2010. Mục tiêu chính của ông Reyna-Hurtado là bắt giữ heo rừng khổng lồ nhưng không thành công.
Nhà sinh thái học hoang dã này hy vọng tìm hiểu được hoạt động của chúng, phạm vi mà một bầy heo rừng cần cho môi trường sống của mình và loại thực vật ưa thích. Nhờ vào "bẫy camera", ông Reyna-Hurtado và các đồng sự thu được rất nhiều dữ liệu bên cạnh việc theo chân những con heo rừng bằng phương pháp đặc biệt.
Tại khu bảo tồn hoang dã Toro-Semliky gần Kibale, nhóm của ông Reyna-Hurtado tìm thấy một bầy heo rừng gồm 25 cá thể. Ở Kibale, chúng chỉ đi theo bầy từ 10-11 con. Hồi tháng 4-2018, nhóm của ông Reyna-Hurtado giải cứu một con heo đực bị mắc bẫy ở Kibale nhưng nó đã chết sau đó 2 ngày. Đó là một con đực đầu đàn trong một bầy heo rừng mà nhóm của ông Reyna-Hurtado đã theo dõi suốt 5 năm.
Heo rừng khổng lồ ở Tây, Trung và Đông Phi nằm trong danh mục "các loài ít được quan tâm" trong Sách đỏ Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).
Một heo rừng khổng lồ tại Công viên Quốc gia Kibale. Ảnh: National Geographic
Tuy nhiên, thực tế là phân loài ở Đông Phi là một trong những loài heo có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới. Chúng sống trong các quần thể rải rác ở hai hoặc ba khu vực thuộc Uganda, Kenya, Ethiopia và có thể cả Nam Sudan.
Báo cáo của ông Reyna-Hurtado chỉ ra rằng heo rừng khổng lồ ở Kibale hiện chỉ còn không quá 200 cá thể.
Heo rừng được xem là loài động vật mang lại nhiều lợi ích cho môi trường bởi chúng kiểm soát cây dạng thảo mộc, cho phép các loài cây rừng khác phát triển. Ví dụ, ở Mỹ, heo rừng giúp các đầm nước không bị khô hạn vì chúng liên tục trầm mình trong đó.
Ếch, thằn lằn và các loài động vật cần nước khác nhờ vậy được hưởng lợi. Heo rừng khổng lồ còn đóng vai trò quan trọng trong chuỗi thức ăn vì chúng làm mồi cho báo và sư tử.
Có một đặc điểm thú vị là heo rừng rất thông minh, theo ông Reyna-Hurtado. Chúng biết con người là mối đe dọa nên tránh xa bất kỳ khu vực nào có bóng dáng của họ.
Heo rừng cũng có khả năng ghi nhớ vị trí chính xác của các đầm nước và đi thẳng tới một số địa điểm cụ thể.
Bình luận (0)