Lầu Năm Góc và giới chức tình báo Mỹ - Canada đang tìm cách trả lời rất nhiều câu hỏi xoay quanh 3 vật thể bay bị chiến đấu cơ Mỹ bắn hạ liên tiếp vào các ngày 10, 11 và 12-2.
Vật thể mới nhất bị phát hiện lần đầu hôm 11-2 trên bầu trời bang Montana - Mỹ, sau nhiều lần "chớp tắt" đã tái xuất hiện hôm 12-2 ở Montana rồi sang các bang Wisconsin và Michigan. Cuối cùng, "một chiếc F-16 được lệnh khai hỏa một quả tên lửa không đối không tầm ngắn AIM9x và bắn rơi vật thể trên từ độ cao khoảng 6.000 m xuống hồ Huron ở bang Michigan" - theo thông cáo của Lầu Năm Góc do kênh CNBC dẫn lại.
Nguyên nhân khiến vật thể hình bát giác này bị Tổng thống Mỹ Joe Biden ra lệnh bắn hạ là do gây nguy hiểm cho hàng không dân dụng. Bay thấp gây nguy hiểm cũng khiến 2 vật thể khác bị bắn hạ trước đó vào ngày 10-2 (ở bang Alaska - Mỹ) và ngày 11-2 (ở vùng Yukon - Canada).
Tính cả chiếc khinh khí cầu bị nghi là do thám của Trung Quốc (bị bắn hạ hôm 4-2 ngoài khơi bang Nam Carolina) thì trong 8 ngày qua, Mỹ đã bắn hạ 4 vật thể trên không phận Mỹ và Canada. Theo AP, Lầu Năm Góc gọi đây là "chuỗi sự kiện bất thường chưa có tiền lệ trong thời bình".
Hai câu hỏi lớn nhất được báo The New York Times chỉ ra là: Chúng là gì? Tại sao đột nhiên Mỹ lại liên tục phát hiện và bắn hạ "vật thể lạ" như thế?
Nhân viên Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) xem xét các mảnh vỡ khí cầu Trung Quốc hôm 9-2 Ảnh: REUTERS
Câu hỏi thứ nhất chưa có câu trả lời. Lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện Mỹ, ông Chuck Schumer, nói với kênh ABC hôm 12-2 rằng "giới chức tin rằng tất cả chúng là khí cầu nhưng nhỏ hơn nhiều so với khí cầu của Trung Quốc".
Ngược lại, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nói với The New York Times rằng vật thể hôm 10-2 ở Alaska và 12-2 ở Michigan gần như không phải khí cầu.
Riêng vật thể hôm 11-2 được phía Canada mô tả là hình trụ và phía Mỹ đánh giá có khả năng là một dạng khí cầu. Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand cho biết còn quá sớm để kết luận vật thể này có đến từ Trung Quốc hay không.
Điểm chung của 3 vật thể này, theo hãng tin AP, là đều bay thấp hơn nhiều so với chiếc khinh khí cầu Trung Quốc (bay ở độ cao khoảng 18.000 m).
Giới chức Mỹ đang xem xét các video và các cảm biến nhận dạng mà phi công Mỹ thu thập được trước khi các vật thể bị phá hủy. Nhưng các câu hỏi về bản chất của chúng, mục đích xuất hiện cũng như chúng xuất xứ từ đâu đều phải chờ cho tới khi Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Cảnh sát Hoàng gia Canada kiểm tra kỹ càng các mảnh vỡ.
Trong cuộc họp báo ngày 12-2, Tướng Glen D. VanHerck, chỉ huy Bộ Tư lệnh phương Bắc của Mỹ, nói ông không loại trừ bất cứ khả năng nào lúc này, kể cả "nguồn gốc ngoài hành tinh" của các vật thể trên. Thế nhưng, các quan chức an ninh Mỹ sau đó nói lại rằng "những thiết bị này chắc chắn được tạo ra trên trái đất".
Với câu hỏi thứ hai, khó biết được có đúng là "vật thể lạ" xuất hiện nhiều hơn không nhưng một phần nguyên nhân có thể do Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) điều chỉnh lại hệ thống radar sau vụ khinh khí cầu Trung Quốc đi vào không phận Canada và Mỹ.
Tuy nhiên, cách phản ứng mạnh tay bất thường của quân đội Mỹ những ngày qua cũng lại gây thắc mắc, nhất là khi chính quyền Washington nhấn mạnh các vật thể này không gây lo ngại lớn đối với an ninh quốc gia - theo AP.
The New York Times dẫn thông tin từ một số quan chức Mỹ tiết lộ giả thuyết đáng báo động nhất là những vật thể này xuất xứ từ Trung Quốc hoặc một siêu cường khác và có nhiệm vụ tìm hiểu về các hệ thống radar cũng như cảnh báo sớm của Mỹ.
Bình luận (0)