Khi quốc vương Juan Carlos xuất hiện trên đài truyền hình hôm 2-6 tuyên bố thoái vị, ông nhấn mạnh một ước vọng cuối đời. Sau gần 4 thập niên trị vì với tư cách là người đứng đầu chế độ quân chủ lập hiến, nhà vua bày tỏ nguyện vọng chuyển giao cho người dân Tây Ban Nha quyền định đoạt số phận của mình và quyền tạo lập “nền dân chủ hiện đại, hoàn toàn hội nhập châu Âu”.
Dẫu đây là sự kiện được dự báo trước khá lâu song người dân Tây Ban Nha vẫn không khỏi bất ngờ bởi xưa nay ông thường nói “Tôi sẽ chết với chiếc vương miện trên đầu”.
Lọt vào mắt xanh tướng Franco
Theo đánh giá của bà Mary Vincent, giáo sư Khoa Lịch sử châu Âu hiện đại Trường Đại học Sheffield (Anh), dù uy tín của nhà vua Juan Carlos sụt giảm nhanh trong vài năm gần đây với những vụ án tham nhũng liên quan đến một số thành viên hoàng gia - đặc biệt là chuyện đi săn voi ở Botswana, một thảm họa về mặt chính trị - nhiều người vẫn nhớ tới ông như là cha đẻ của nền dân chủ Tây Ban Nha.
Quốc vương Juan Carlos, 76 tuổi, tuyên bố thoái vị ngày 2-6-2014
Ảnh: WN.COM
Những mâu thuẫn kể trên suy cho cùng chẳng có gì là bất ngờ nếu nhìn lại quãng đời khá ly kỳ của nhà vua Juan Carlos. Là cháu nội của quốc vương Alfonso XIII, ông Juan Carlos bị tướng Francisco Franco “bứng” khỏi gia đình năm 9 tuổi để giáo dục theo ý đồ của nhà độc tài này. Đó là trở thành một ông vua tuyệt đối trung thành với tướng Franco và duy trì bản chất bảo thủ cực đoan của chế độ.
Câu chuyện kỳ lạ này diễn ra sau khi tướng Franco và Hoàng gia Tây Ban Nha - vốn quan niệm “làm vua cũng là một thứ nghề nghiệp” - đạt được thỏa thuận có một không hai ở châu Âu. Thật ra, tướng Franco có đến 3 thành viên Hoàng gia Tây Ban Nha để chọn người thừa kế khi bị lực lượng cánh hữu gây áp lực trở về với nền quân chủ chuyên chế.
Giữa thập niên 1940, người thừa kế ngai vàng chính thức là Juan Bourbon - bá tước xứ Barcelona, con trai của quốc vương Alfonso XIII. Tuy nhiên, trong mắt nhà độc tài Franco, Juan Bourbon thuộc thành phần cấp tiến có thể chống lại ông, vì vậy bá tước đã bị loại. Người thứ hai là Alfonso - công tước xứ Anjou và Cadiz, cháu nội của quốc vương Alfonso XIII, một người tôn thờ tướng Franco. Thế nhưng cuối cùng, Franco chọn cậu bé Juan Carlos vì “cây non dễ uốn”.
Nền giáo dục mà hoàng tử Juan Carlos hấp thụ theo ý nhà độc tài Franco chủ yếu là quân sự. Ông được đào tạo tại các học viện quân sự nổi tiếng nhất thuộc các binh chủng hải, lục và không quân. Franco đã được nhào luyện như thế nào thì hoàng tử Juan Carlos cũng y chang.
Năm 1969, tướng Franco tuyên bố Juan Carlos là người thừa kế hiển nhiên ngai vàng và ban tước hiệu “Hoàng tử Tây Ban Nha”, thay vì Hoàng tử xứ Asturias, theo truyền thống. Điều kiện để nhận đặc ân này là ông Juan Carlos phải tuyên thệ trung thành với Movimiento Nacional (Phong trào Quốc gia) của tướng Franco, điều mà nhà vua làm không chút do dự theo quan sát từ bên ngoài nhưng thực sự trong lòng thì ông nghĩ khác.
Ngày 22-7-1969, quốc hội Tây Ban Nha thông qua quyết định của nhà độc tài Franco. Sáu năm sau, khi nhà độc tài Franco qua đời (20-11-1975), ông Juan Carlos chính thức trở thành quốc vương Tây Ban Nha, chấm dứt tình trạng không có vua từ năm 1931. Qua sự kiện này, ông được xem là người tái lập chủ quyền của người dân Tây Ban Nha sau 36 năm sống dưới ách nhà độc tài Franco.
Phá banh chế độ độc tài
Được coi là người thừa kế của tướng Franco, nắm toàn bộ quyền lực của nhà độc tài nhưng quốc vương Tây Ban Nha lại chọn con đường thoát ly khỏi bóng ma của Franco. Thay vì xác lập nền quân chủ chuyên chế, thực thi chính sách bảo thủ cực đoan của chế độ như tướng Franco kỳ vọng, ông tìm cách phá banh chế độ Franco càng sớm càng tốt.
Tháng 7-1976, quốc vương Juan Carlos sa thải thủ tướng Carlos Arias Navarro, đệ tử ruột của Franco, thay thế bằng ông Adolfe Suarez, cựu lãnh tụ Phong trào Quốc gia nhưng ủng hộ nhà vua. Hai ông đã tiến hành một loạt cải cách chính trị táo bạo.
Tháng 1-1977, Đảng Cộng sản bị đặt ngoài vòng pháp luật thời Franco đã được hợp thức hóa. Năm tháng sau, lần đầu tiên kể từ năm 1936, Tây Ban Nha tổ chức bầu cử quốc hội một cách dân chủ. Chuyển Tây Ban Nha từ chế độ độc tài sang chế độ dân chủ trong vòng 19 tháng sau khi đăng quang mà không để xảy ra nội chiến là một thành tựu đáng nể của ông Juan Carlos.
Tái lập nền quân chủ lập hiến, quốc vương Juan Carlos đã gầy một canh bạc đầy rủi ro. Ông có thể đi theo vết xe đổ của người anh rể là Constantine, cựu vương Hy Lạp. Do những toan tính chính trị non kém, ông này đã bị các tướng lĩnh quân đội lưu đày vào năm 1967. Kể cả sau khi Hy Lạp phục hồi được dân chủ năm 1974, nhà vua Constantine cũng không có cơ hội nào. Một cuộc trưng cầu ý dân tổ chức trong năm đã tước bỏ quốc tịch Constantine và toàn bộ gia sản của ông cũng bị tịch thu năm 1994. Tuy nhiên, ông Juan Carlos đã thắng.
Vị cứu tinh nền dân chủ
Sinh thời, tướng Franco có tham vọng đào tạo ông Juan Carlos thành một nhà vua - chiến sĩ phục vụ lợi ích của chế độ độc tài. Ông Carlos đã đóng vai trò này một cách xuất sắc lúc xảy ra binh biến hồi đầu năm 1981 nhưng không theo cách mà tướng Franco mong đợi.
Lúc 18 giờ 30 phút ngày 23-2-1981, trung tá Antonio Tejero, Chỉ huy trưởng lực lượng phòng vệ thủ đô Madrid, đã mạo danh quốc vương đưa xe tăng đến bao vây tòa nhà quốc hội. Trung tá Tejero nổ súng bắt cóc đại biểu quốc hội làm con tin, mưu toan lật đổ chính phủ để phục hồi chế độ Franco. Đến 1 giờ 14 phút ngày 24-2-1981, quốc vương Juan Carlos mặc quân phục tổng tư lệnh quân đội lên đài truyền hình dõng dạc tuyên bố: “Là biểu tượng của sự đoàn kết quốc gia, hoàng triều không thể chấp nhận bất cứ hành động hay thái độ nào làm gián đoạn tiến trình dân chủ”. Ông kêu gọi trung tá Tejero chấm dứt binh biến và vị sĩ quan này đã tuân lệnh một cách ngoan ngoãn.
Kỳ tới: Khi thần tượng sụp đổ
Bình luận (0)