Đi trong khu rừng này rất dễ vấp phải những hộp sọ người
Khu rừng rộng 35 km2, nằm ở chân ngọn núi cao nhất Nhật Bản, với cây cối mọc đan xen dày đặc khiến con người ta rất dễ lạc và thực sự phần nhiều những con người khi tìm đến khu rừng này đều không có ý định trở về. Khu rừng cũng từng làm mưa làm gió làng văn học Nhật Bản khi xuất hiện trong trong cuốn sách bán chạy nhất của nhà văn Wataru Tsurumui mang tên “Hướng dẫn hoàn chỉnh cho việc tự sát".
Hằng năm giới chức nước này phải di chuyển khoảng 100 thi thể treo lơ lửng trên cây hoặc nằm ở nhiều tư thế khốn khổ ở các khu vực khác nhau từ địa điểm tự tử “nóng” nhất đất nước mặt trời mọc này. Trong khi đó, nhiều cái xác có thể nằm lại nhiều năm bởi các nhà chức trách không thể tìm thấy vị trí nằm xuống của họ.
Lý do chính xác mà nhiều người chọn khu rừng này làm nơi kết thúc cuộc đời mình vẫn là một điều bí ẩn, nhưng người ta vẫn truyền tai nhau một câu chuyện về người đầu tiên chọn khu rừng để chết là do ảnh hưởng từ một cuốn tiểu thuyết.
Ông Azusa Hayano – một học giả Nhật Bản, đã nghiên cứu và trông coi khu rừng này suốt 30 năm qua. Tuy nhiên, ông vẫn chưa thể lý giải nổi tại sao người ta lại đến khu rừng này để tự tử.
Theo nhà nghiên cứu này, công việc của ông gắn bó với khu rừng suốt 30 năm qua khiến ông có những nhiệm vụ ác nghiệt khác là tìm kiếm những nạn nhân tự tử, hoặc có khi ông chạy đôn chạy đáo cứu giúp những nạn nhân tự tử ông phát hiện khi chưa quá muộn. Ông ước tính ông đã vấp phải hơn 100 cái xác trong 20 năm qua trong khu rừng mà tưởng chừng như ông đã thuộc hết đường đi lối về.
Điều khiến ông Hayano day dứt nhất là nhiều khi ông không có cách nào để ngăn cản những cái chết đó khi kẻ tìm đến cái chết lại xuất phát từ niềm đam mê bệnh hoạn.
Nhà địa chất trung tuổi này đã đưa một đoàn làm phim của Vice World thâm nhập vào khu rừng còn biết tới với cái tên “Jukai” (tức là Biển cây) để chia sẻ những điều ông đã khám phá ra.
Nhiều thi thể treo lơ lửng trên cây
Mặc dù ông Hayano không thể đưa ra một câu trả lời dứt khoát cho câu hỏi tại sao nhiều người lại tự tử ở Aokigahara, nhưng ông đã có một cái nhìn sâu sắc đối với các hành vi của những con người tuyệt vọng khi họ bước vào khu rừng mà họ không hề mua cho mình một tấm vé khứ hồi này!
Ông nói với các nhà làm phim về những dấu vết của những con người tuyệt vọng tìm đến cái chết, để lại rất nhiều ở những nơi họ lựa chọn, và trong nhiều trường hợp còn có những dấu vết cho thấy con người đó đã thay đổi quyết định và muốn sống tiếp.
Nhà địa chất học này cũng không giấu giếm mong muốn có thể hiểu thấu những hành vi của những con người tuyệt vọng đó để có thể tìm ra được cách để ngăn cản những tấn thảm kịch vẫn đang không có dấu hiệu giảm.
Có người để lại lời nhắn: Đừng tìm tôi nữa
Trong các hình ảnh các nhà làm phim thu thập được từ khu rừng, người ta hẳn sẽ không khỏi rùng mình trước những thi thể ở trong đủ các tư thế chết đầy đau khổ.
Ông Hayano kể lại: “Tôi đã chứng kiến một người đàn ông lái ô tô đến gần khu rừng, bỏ xe lại, tiến vào khu rừng và không bao giờ trở lại. Trong chiếc xe bỏ lại vẫn còn chiếc bản đồ đặt trên ghế tài xế. Tôi đoán ông ấy đã đi lang thang trong rừng với vô vàn những suy nghĩ bế tắc”.
Thuở xa xưa, tự tử thường được biết tới là hành động của các samurrai gọi là seppuku (harakiri), trong một số trường hợp khác có thể là các gia đình nghèo khó bỏ lại những người già cả trên núi và những người này tự tìm đến cái chết. Nhưng ngày nay, mọi chuyện đã thay đổi.
Báo chí nước này còn từng viết về một câu chuyện về số phận tìm tới cái chết trong khu rừng. Đó là một người đàn ông có tên Taro, 46 tuổi bị mất việc tại một công ty sản xuất sắt, ông bị đuổi khỏi căn hộ đang sống và nợ nần chồng chất, không đủ khả năng chi trả. Không công việc, không nhà cửa, không có tiền sinh sống, ông quyết định mua vé tàu một chiều đi đến khu rừng Aokigahara, phía Tây thành phố Tokyo.
Khi bước vào khu rừng, điều đầu tiên ông làm là cắt cổ tay của mình, nhưng việc làm đó không đủ để ông tìm đến cái chết một cách nhanh chóng. Và ông bắt đầu đi lang thang, rồi sụp đổ sau vài ngày trong một bụi cây vì đói, mất nước và bị tê cóng chân tay. Nhưng ông đã không mất đi cuộc sống của mình khi một người săn thú phát hiện ra và báo động cho mọi người biết.
Những đám xương, những cái xác, những di vật… tất cả những thứ đó có thể khiến bất cứ ai đến với khu rừng này đều không khỏi bị sốc. Tuy nhiên, với những người đến đây để tìm cái chết thì có lẽ họ cũng chẳng mảy may chú ý. Trong khu rừng này, nhiều khi người ta cũng bắt gặp những mảnh giấy, hoặc những bảng chữ lớn có những lời nhắn gửi tới những con người tuyệt vọng mong họ sẽ hồi tâm chuyển ý và quay về với cuộc sống. Nội dung những giấy nhắn đó thường để khơi gợi trách nhiệm và tình yêu thương của những con người đó đối với những người thân yêu nhất và đôi khi nó cũng phát huy tác dụng.
Bảng chữ nhắn gửi tới những người tuyệt vọng
Được biết, năm 2002, 78 thi thể được tìm thấy trong khu rừng này phá vỡ kỉ lục trước đó là 73 vào năm 1998. Đến đầu tháng 5-2006 có ít nhất 16 vụ tự tử mà thi thể người được tìm thấy.
Theo báo cáo của chính phủ Nhật Bản, đây là nơi có số lượng người tự tử lớn thứ hai trên thế giới, sau cây “cầu tự tử” Golden Gate, ở San Francisco của Mỹ. Các nhà chức trách nước này cũng đang tìm nhiều cách để cải thiện tình hình, trong đó đã cho gắn camera an ninh tại các lối vào; đồng thời, theo dõi những người đi bộ vào trong khu rừng, vì lo ngại sẽ tiếp tục có những vụ tử tự trong thời gian tới.
Bình luận (0)