Đằng sau tuyên bố trên – nhà báo Amando Dorolina trên tờ Philippine Daily Inquirer gọi là “phát súng ân huệ” đối với những người ủng hộ bà Arroyo - là cuộc chiến pháp lý giữa các luật gia của phe Arroyo và phe Aquino, thậm chí ngay trong Tòa án Tối cao (SC) và Quốc hội Philippines.
Vi hiến?
Truyền thông Philippines cho biết hôm thứ sáu tuần rồi, tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 19 nhưng Tổng thống Aquino III luôn tranh thủ giờ chết để giám sát và chỉ đạo tiến trình bắt giữ bà Arroyo tại quê nhà.
Theo Ricky Carandang, thư ký báo chí của ông Aquino III, tổng thống điện đàm liên tục với bộ trưởng Bộ Tư pháp, thư ký báo chí phủ tổng thống và bộ trưởng Bộ Ngân sách để nắm bắt tình hình trong nước. Carandang nói ở Philippines, có nhiều thông tin bị nhiễu, bị bóp méo làm tổng thống rất lo.
biểu tình tại thành phố Pasay yêu cầu đưa bà Arroyo vào trại giam. Ảnh: REUTERS
Bà Arroyo kháng cáo lệnh bắt giữ
Theo AFP, các luật sư của cựu Tổng thống Gloria Arroyo đã đệ đơn kháng cáo lên tòa án tối cao nước này ngày 21-11.
Đơn kháng cáo cho rằng cuộc điều tra dẫn tới việc bà Arroyo bị buộc tội và bị bắt giữ ngày 18-11 đã xem thường các thủ tục pháp lý, khi mà chính phủ vội vã ngăn cản việc bà Arroyo rời Philippines.
Phát ngôn viên của Tòa án Tối cao Midas Marquez cho biết quyết định về đơn kháng cáo của bà Arroyo sẽ được đưa ra trong một phiên điều trần ngày 22-11. |
Hôm qua, 21-11, tờ Cebu Daily News đưa tin ông Rene Sarmiento, ủy viên Ủy ban Bầu cử (Comelec), tỏ ra lo lắng vì bà Arroyo có thể được tha nếu SC phán quyết rằng Ủy ban Điều tra hỗn hợp Comelec- DOJ (Bộ Tư pháp) là vi hiến, tạo điều kiện cho bà Arroyo xuất cảnh để “một đi không trở lại”.
Ủy ban Comelec-DOJ là nơi phát hành nghị quyết đề nghị khởi tố bà Arroyo về tội gian lận bầu cử dẫn đến việc tòa án khu vực thành phố Pasay (RTC) phát lệnh bắt giữ nghi phạm. Theo các luật sư bào chữa cho bà Arroyo, sự việc diễn ra chỉ trong vòng một ngày khiến người ta nghi ngờ đây là một âm mưu.
Lập tức, ông Mike Arroyo, chồng bà Arroyo, gửi đơn khiếu nại lên SC về tính hợp hiến của Ủy ban Comelec-DOJ và thẩm quyền của RTC bởi đằng nào bà Arroyo cũng là tổng thống tại thời điểm 2007 và chỉ có tòa phúc thẩm mới có thẩm quyền này.
Hôm nay, 22-11, SC bắt đầu xem xét đơn khiếu nại của chồng bà Arroyo.
Quốc hội bất đồng
Ông nghị Vicente Sotto III, lãnh tụ phe đa số ở thượng viện, nhận định rằng việc truy tố cựu tổng thống Arroyo là quá hấp tấp và lộ liễu: “Tính liêm chính của hệ thống pháp luật của chúng ta đang lâm nguy. Guồng máy công lý phải vận hành theo nhịp đập của riêng mình chứ không phải theo chiều gió chính trị”.
Bà Arroyo trong Bệnh viện St. Luke vào tháng 7-2011, bên phải là luật sư của mình. Ảnh: INTERAKSYON
Ngược lại, theo thượng nghị sĩ Teofisto L. Guigona III, “đó là một ngày tốt lành cho công lý. Cuối cùng, nhân dân Philippines có cơ hội biết được sự thật về cuộc bầu cử thượng viện năm 2007. Thủ phạm phải chịu trách nhiệm về sự gian lận này. Nói chung, công lý thuộc về người Philippines”.
Nhiều nghị sĩ ở hạ viện cũng phản đối việc RTC phát lệnh bắt giữ bà Arroyo. Hạ nghị sĩ Maria Milagros Magsaysay cho rằng lệnh bắt giữ của RTC trái luật vì chỉ tòa phúc thẩm mới có quyền đó.
Trong khi đó, hạ nghị sĩ Teodoro Casino yêu cầu Tổng thống Aquino III không nên ưu đãi bà Arroyo. Ông nói: “Thời bà ấy cầm quyền, có hàng trăm chính trị phạm sống mòn mỏi trong ngục tù, một số bị bệnh nặng nhưng đâu có được chữa bệnh tại bệnh viện. Vậy thì tại sao bà Gloria phạm nhiều tội ác chống nhân dân lại được đối xử đặc biệt như vậy?”.
Tuy nhiên, theo hãng tin AP, hôm qua, tòa án đã cho phép bà Arroyo tiếp tục được chữa bệnh tại Bệnh viện St.Luke vì “lý do nhân đạo”.
Kỳ tới: Nghiệp chướng
Bình luận (0)