Tòa soạn Minh báo lúc ấy nằm ở góc phía Bắc đường Nữ Hoàng Anh, gần đó có nhà hàng Lệ Trì. Mỗi khi làm việc mệt mỏi, Kim Dung thường “đáo thử nhất du” đến đó nhâm nhi cà phê. Tại đây, “Tiểu Long Nữ” - Lâm Lạc Di xuất hiện.
Bí mật xây tổ ấm
Một ngày cuối năm 1976, sau cuộc cãi vã với Chu Mai, Kim Dung lại đi uống cà phê. Tiếp ông hôm ấy là một nữ phục vụ xinh xắn mới 16 tuổi, tên là Lâm Lạc Di (A May).
Rất thông minh, Lâm Lạc Di tươi cười hỏi khách có phải là nhà văn nổi tiếng Kim Dung không và bày tỏ sự hâm mộ, đặc biệt là yêu thích tác phẩm “Thần điêu hiệp lữ”. Hai bên nói chuyện rất vui vẻ.
Khi thanh toán tiền, Kim Dung “boa” cho Lâm Lạc Di 10 đô la Hồng Kông. Cô gái giật mình vì đó là số tiền không nhỏ vào lúc ấy, vội vàng ngăn Kim Dung để trả lại tiền. Cô nói rằng Kim Dung là nhà văn, sống bằng nghề viết, kiếm tiền rất là vất vả. Vì vậy, cô nhất định không dám nhận số tiền lớn ấy.
Kim Dung rất cảm động trước sự chân thành của cô gái mới lớn. Từ đó, họ thường xuyên gặp nhau và ngày càng thân thiết. Có lần Kim Dung đổ bệnh, Lâm Lạc Di tìm đến chăm sóc. Dần dần, Lâm Lạc Di trở thành nơi “tị nạn tình cảm” của Kim Dung, cho đến một ngày họ cùng nhau xây tổ ấm bí mật.
Lúc này, Chu Mai vẫn còn túi bụi lo công việc tòa báo, đến lúc biết Kim Dung “dây bò khỏi vách” thì đã quá muộn. Cô nhân viên phục vụ 16 tuổi đã đánh bại người phụ nữ giỏi giang, từng trải.
Theo nhà văn Nghê Khuông, Lâm Lạc Di có nét rất giống “người tình trong mộng” của Kim Dung là nữ minh tinh Hạ Mộng. Nhà văn Lâm Yến Ni nhận xét: “Người vợ thứ hai Chu Mai là người cùng Kim Dung tạo dựng giang san, xinh đẹp, giỏi giang, mạnh mẽ, lại có với nhau 4 người con. Thế mà… Có lẽ anh hùng nhìn quen nên thấy bình thường, trong hôn nhân thiếu đi sự thưởng thức lẫn nhau, lại thêm những nguyên nhân khác nên cuối cùng tan vỡ”.
Trước khi chính thức ly hôn, Chu Mai đưa ra điều kiện ngặt nghèo: phân chia tài sản, trong đó có một phần bồi thường cuộc hôn nhân và Kim Dung về sau không được có con với bất cứ phụ nữ nào nữa. Kim Dung đồng ý các điều kiện, quyết định ly hôn Chu Mai và cưới Lâm Lạc Di dù gặp nhiều phản đối từ gia đình.
Kết thúc cuộc hôn nhân thất bại, với thâm tình mẫu tử, Chu Mai chỉ hy vọng những đứa con của mình được hưởng trọn vẹn tình thương của cha nên mới đưa ra điều kiện trên. Về sau, những người con của họ đều theo Kim Dung.
Tình như ma túy
Cho đến nay, Kim Dung cùng người vợ thứ ba nhỏ hơn ông 29 tuổi là Lâm Lạc Di đã kết tóc trọn 40 năm và đây có lẽ là phiên bản hiện thực sinh động nhất của “Thần điêu hiệp lữ” trong mắt mọi người. Hội Những người yêu thích tác phẩm Kim Dung gọi Lâm Lạc Di là “Tiểu Long Nữ”.
Nói về nàng “Tiểu Long Nữ” họ Lâm của mình, Kim Dung cho biết bà đã chăm sóc mọi sinh hoạt của ông, đặc biệt là chú ý đến vấn đề ăn uống. Khi bà không cho ăn món gì thì ông đành vui vẻ nghe theo. Ngoài ra, mọi trang trí, sửa sang trong nhà cũng đều do bà quyết định. Khi được hỏi làm thế nào để giữ được “mối tình vong niên” bền lâu như vậy, Kim Dung cười rằng: “Tuy không có nhiều ví dụ nhưng cái có thể nói được là phải tôn trọng lẫn nhau”.
Khi ký giả Đường Bồi hỏi Kim Dung làm thế nào để duy trì mối quan hệ vợ chồng với Lâm Lạc Di tốt đẹp như vậy, ông nói thẳng: “Cũng chẳng có gì. Bình thường cái gì cô ấy cũng chiều chuộng tôi. Đến khi cô ấy nổi giận thì tôi gắng bế khẩu im tiếng. Mối quan hệ với cô ấy không thể coi là đặc biệt thành công, cũng không thể nói là thất bại, cũng giống như những đôi vợ chồng thông thường khác mà thôi”.
Kim Dung tiết lộ Lâm Lạc Di đặc biệt yêu thích tác phẩm “Bạch mã khiếu Tây phong”, nguyên nhân “vì cô ấy cảm thấy rất thương tâm với mối tình tay ba. Phụ nữ về mặt tình cảm đều rất phong phú”.
Kim Dung cũng từng thổ lộ: “Vợ chồng với nhau là sự câu thông trong cuộc sống hằng ngày chứ không phải nghiên cứu tư tưởng. Muốn tránh xung đột thì ít nói là hay nhất. Vợ chồng cũng không nhất thiết có niềm hứng thú giống nhau, hai bên cần giữ chút khoảng trống để mỗi người có không gian riêng. Vợ tôi rất thích châu Úc nhưng tôi thì không. Tôi đọc sách tiếng Anh nhiều, chịu ảnh hưởng bên ấy cũng sâu. Tôi cũng thích Pháp, Ý. Nhưng văn hóa Trung Hoa là một bộ phận của sinh mệnh tôi, giống như máu luân lưu trong huyết quản, không thể nào phân khai”.
Đường Bồi hỏi rằng rốt cuộc Kim Dung có bao nhiêu lần “lãng mạn” tình cảm trong đời, ông thừa nhận: “Nhiều lắm! Đương nhiên, tôi hy vọng là không quá nhiều, tình yêu có thể đơn giản một chút là tốt nhưng điều này thì “thân bất do kỷ”. Đã kết hôn nhưng tình cảm với người khác cứ dần dần tiến triển, nửa năm, 1 năm, 3 năm, 4 năm… Tình cảm không phải là chuyện 1-2 ngày, cắt không đứt được”. Ký giả lại hỏi lần “lãng mạn” cuối cùng là lúc nào, Kim Dung khẳng định: 75 tuổi! “Giống như nghiện ma túy, biết chắc đó là độc hại nhưng chống cự không nổi, lại hút hít” - Kim Dung ví von.
“Tôi thật có lỗi với Chu Mai...”
Chu Mai về sau không tái hôn và sống âm thầm, nghèo khổ, bệnh tật - khác hẳn với Kim Dung tuổi già êm ấm, sung túc. Khoảng năm 1995, người ta nhìn thấy Chu Mai đứng bán túi xách bên đường, khu vịnh Đồng La (Cảng Đảo - Hồng Kông).
Ngày 8-11-1998, vì bệnh phổi nặng, Chu Mai đã qua đời tại Bệnh viện Ruttonjee (Hồng Kông) ở tuổi 63, còn để lại cho các con ít nhiều tài sản. Người xác nhận giấy chứng tử cho bà không phải là chồng hay con, mà là một lao công trong bệnh viện. Trả lời phỏng vấn, Kim Dung buồn bã nói: “Tôi thật có lỗi với Chu Mai…”.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 12-12
Kỳ tới: Những người con tài hoa
Bình luận (0)