Hồi tháng 12 năm ngoái, Sri Lanka bàn giao quyền kiểm soát cảng biển Hambantota ở phía Nam cho Trung Quốc theo hợp đồng thuê 99 năm trị giá 1,12 tỉ USD.
Các nhà lãnh đạo phe đối lập chỉ trích đây là thỏa thuận bán cảng cho Trung Quốc chứ không phải là hợp đồng cho thuê. Báo SundayTimes (Sri Lanka) hôm 10-6 cho biết Công ty Trung Quốc China Merchants Port Holdings - công ty muốn sử dụng khu vực này cho mục đích giải trí - không đồng ý giao phần tiền còn lại trị giá 585 triệu USD.
Cảng Hambantota ở Sri Lanka. Ảnh: Automotive Logistics
Thế nhưng, Cơ quan Quản lý cảng biển Sri Lanka nhấn mạnh các cơ sở hạ tầng tại Hambantota chỉ nên được sử dụng cho các hoạt động liên quan đến cảng biển và hàng hải chứ không phải mục đích du lịch giải trí.
Công ty China Merchants Port Holdings được trích lời cho rằng số tiền còn lại trong hợp đồng chỉ được chuyển khi vấn đề được giải quyết ổn thỏa.
Cảng Hambantota là một dự án cơ sở hạ tầng nhận được sự hỗ trợ lớn từ Trung Quốc tại khu vực quê nhà của cựu Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa, người cầm quyền gần một thập kỷ trước khi Tổng thống Maithripala Sirisena kế nhiệm vào năm 2015. Chính quyền của ông Rajapaksa từng bị chỉ trích nặng nề vì nhận những khoản vay thương mại cao từ Trung Quốc.
Sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa chỉ có duy nhất một hãng hàng không hoạt động. Ảnh: Daily News
Ngoài cảng biển ở Hambantota, một dự án khác nhận sự đầu tư từ Trung Quốc - sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa - cũng đang gặp trục trặc.
Fly Dubai là hãng hàng không duy nhất hoạt động tại sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa - nơi bị gán cho tên gọi là sân bay "trống rỗng" nhất thế giới - cũng đã hoãn các chuyến bay trong tuần qua. Hãng hàng không Dubai này trích dẫn lý do thương mại và an toàn bay giữa lúc chim thường xuyên va chạm với các máy bay của hãng.
Bình luận (0)