Cụ thể, phe nổi dậy đồng ý giao vũ khí hạng nặng và hạng trung tại mọi thị trấn, thành phố được nêu trong thỏa thuận đầu hàng. Những phiến quân nào không chấp nhận sự kiểm soát của Damascus sẽ được phép rời đến miền Tây Bắc Syria.
Đổi lại, Nga đảm bảo sự trở về an toàn của khoảng 320.000 người buộc phải rời bỏ nhà cửa kể từ khi quân đội chính phủ mở chiến dịch quân sự tại đó với sự hỗ trợ của các cuộc không kích của Moscow.
Ngoài ra, theo một số nguồn tin của phiến quân hôm 6-7, một số lực lượng chính phủ Syria sẽ rời khỏi khu vực này, được thay thế bởi quân cảnh Nga và lực lượng địa phương chịu sự giám sát của Moscow.
Dù vậy, hiện chưa có thời gian biểu cho việc thực hiện thỏa thuận trên.
Lực lượng Syria tại cửa khẩu Nassib thuộc tỉnh Deraa hôm 6-7. Ảnh: Reuters
Ngoài ra, truyền thông nhà nước Syria đưa tin Damascus còn chiếm lại cửa khẩu Nassib tại biên giới với Jordan đã nằm trong tay phe nổi dậy trong 3 năm qua.
Diễn biến này giúp dọn đường cho ông Assad mở lại một tuyến giao thương quan trọng với hy vọng khôi kinh tế và tái thiết những khu vực bị chiến tranh tàn phá.
Nhờ sự giúp sức của các đồng minh, chính quyền ông Assad đang dần lấy lại lãnh thổ từ tay quân nổi dậy dù hầu hết miền Bắc và một phần miền Đông vẫn còn ngoài ngoài tầm kiểm soát. Sự hiện diện của lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ tại những khu vực này khiến Damascus không dễ chiếm lại chúng.
Hy vọng hòa đàm cũng ngày càng xa vời trong bối cảnh cuộc xung đột kéo dài hơn 7 năm này khiến nhiều triệu người Syria rời bỏ nhà cửa hoặc đi tị nạn.
Mục tiêu tiếp theo của ông Assad ở miền Tây Nam dường như là những khu vực của phiến quân ở tỉnh Quneitra, gần Cao nguyên Golan đang bị Israel chiếm đóng. Giao tranh giữa quân đội chính phủ và quân nổi dậy tại đây đã leo thang từ ngày 6-7.
Phát hiện khí clo
Trong một diễn biến khác, một báo cáo sơ bộ của Tổ chức cấm vũ khí hóa hoc (OPCW), được công bố hôm 6-7, cho biết khí độc clo đã được tìm thấy tại hiện trường vụ tấn công ở thị trấn Douma – Syria hồi tháng 4 qua, khiến hàng chục dân thường thiệt mạng. Vụ việc bị phương Tây quy trách nhiệm cho Damascus, từ đó dẫn đến chiến dịch không kích trả đũa của Mỹ, Anh, Pháp.
Theo OPCW, kết quả trên cho thấy khí độc clo có thể đã được sử dụng như một vũ khí nhưng không cho biết ai đứng sau vụ tấn công. Chính phủ Syria cho đến giờ vẫn khẳng định không hề sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc nội chiến tại nước này.
Bình luận (0)