Hàng ngàn người đã tập trung tại vườn Botanic Gardens ở TP Sydney - Úc trước thềm năm mới 2020 để chiêm ngưỡng màn pháo hoa rực rỡ. Nhiều người thậm chí đã đến từ sớm để có thể giành được những vị trí đẹp để ngắm pháo hoa. Có mặt tại địa điểm bắn pháo hoa trước khi sự kiện diễn ra 14 giờ, anh Tom Baer, công dân Hà Lan 23 tuổi, phấn khởi nói với tờ The Australian (Úc) rằng mình đến Úc để được xem buổi trình diễn pháo hoa tuyệt vời nhất thế giới.
Các nhà tổ chức cho biết sự kiện mừng năm mới tại cầu cảng Sydney lần này là lớn nhất từ trước đến nay với khoảng 1.100 quả pháo hoa được lắp thêm vào cây cầu. Buổi trình diễn pháo hoa đặc sắc mừng năm 2020 vẫn diễn ra bất chấp hơn 280.000 người đã ký vào bản kiến nghị hủy sự kiện và dùng kinh phí này chống thảm họa cháy rừng. Trong khi đó, màn trình diễn pháo hoa đã bị hủy tại thủ đô Canberra và các vùng ngoại ô phía Tây Sydney cùng một số nơi phía Bắc do nguy cơ gây cháy cao và điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Nhiều người thúc giục chính quyền Sydney sử dụng 6,5 triệu AUD (tương đương 4,5 triệu USD) chi phí bắn pháo hoa để xử lý nạn cháy rừng. Tuy nhiên, nhà chức trách cho rằng sự kiện đêm giao thừa này có thể mang về 130 triệu AUD cho nền kinh tế và việc hủy bỏ sẽ không giúp xử lý thảm họa hiệu quả hơn. Thị trưởng TP Sydney Clover Moore cam kết chính quyền sẽ tận dụng sự kiện để có thể quyên góp nhiều nhất có thể cho những cộng đồng bị ảnh hưởng do hạn hán và cháy rừng.
Pháo hoa mừng năm mới 2020 ở Sydney - Úc Ảnh: REUTERS
Khác với những năm trước, khoảng 30 thành phố và khu đô thị ở Đức, trong đó có thủ đô Berlin, TP Hamburg và Munich, bị cấm bắn pháo hoa hoàn toàn hoặc một phần trong đêm giao thừa năm nay. Theo hãng Deutsche Welle (Đức), đây là một biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm không khí do bắn pháo hoa. Vấn đề bảo vệ môi trường cũng là tâm điểm trong thông điệp mừng năm mới của Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Trong thông điệp được phát sóng trên truyền hình hôm 31-12-2019, bà Merkel cho hay: "Trái đất thật sự đang nóng lên và điều này trở thành mối đe dọa. Nhiệt độ trái đất tăng lên và những vấn đề phát sinh từ tình trạng nóng lên toàn cầu đều do chính con người gây ra. Vì vậy, chúng ta phải làm tất cả khả năng có được để đối phó thách thức này. Mọi thứ vẫn chưa quá muộn".
Nữ thủ tướng Đức cảnh báo thế hệ tương lai sẽ chung sống với những hậu quả của việc lựa chọn hành động hoặc không hành động ngay lúc này, qua đó kêu gọi thế giới hành động chống biến đổi khí hậu. Đó cũng là ưu tiên của Ủy ban điều hành mới của Liên minh châu Âu (EU) dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, cựu bộ trưởng quốc phòng Đức. Đề cập đến việc Đức sẽ giữ chức chủ tịch luân phiên EU vào nửa cuối năm 2020, bà Merkel kêu gọi châu Âu phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa trên thế giới về việc chống biến đổi khí hậu, đồng thời dự kiến có các cuộc họp liên quan với giới lãnh đạo Trung Quốc và châu Phi.
Mối lo ngại về vấn đề trái đất nóng dần lên cũng đang ngày một được quan tâm tại Nga. Theo báo Guardian (Anh), tầng đất băng vĩnh cửu nằm bên dưới các thị trấn phía Bắc nước Nga đang dần tan chảy. Thủ đô Moscow - Nga buộc phải sử dụng "tuyết nhân tạo" để phục vụ các hoạt động đón năm mới do thành phố này đang trải qua tháng 12 với nhiệt độ cao nhất trong hơn 1 thế kỷ qua. Khu vực Moscow đang chứng kiến một những mùa đông ấm nhất trong vòng 140 năm qua. Hôm 18-12-2019, nhiệt độ tại thủ đô Nga đã tăng lên 5,4 độ C, vượt kỷ lục được thiết lập vào năm 1886.
Do chênh lệch múi giờ, lễ đón năm mới trên khắp thế giới sẽ không diễn ra cùng lúc. Nơi cuối cùng đón năm mới sẽ là đảo Baker và đảo Howland, 2 hòn đảo hoang của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Bình luận (0)