Theo TTXVN, đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị COP21 nhằm khẳng định cam kết mạnh mẽ của Chính phủ nước ta trong nỗ lực chung cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời nhằm thúc đẩy và tăng cường hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế để tìm kiếm nguồn hỗ trợ cho công tác ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Dự kiến sẽ có khoảng 40.000 đại biểu đến từ 195 nước tham dự Hội nghị COP21, kéo dài từ ngày 30-11 đến 11-12, trong nỗ lực đạt được một thỏa thuận dài hạn nhằm hạn chế lượng khí thải carbon. Đáng chú ý, khoảng 150 nhà lãnh đạo thế giới sẽ tập trung tại Paris trong ngày 30-11 để đọc diễn văn và khích lệ tinh thần các nhà thương thảo. Giới quan sát nhìn nhận vụ tấn công khủng bố liên hoàn vừa qua tại Paris sẽ làm tăng cơ hội đạt được kết quả khả quan ở Hội nghị COP21. “Tôi tin rằng khả năng đạt được thỏa thuận đang tăng bởi các bên đang rất háo hức làm điều này” - ông Amjad Abdulla, đại diện đảo quốc Maldives, nhận định.
Trong khi đó, theo ông Tom Burke, Chủ tịch Tổ chức Môi trường E3G (Anh), một số nhà lãnh đạo sẽ thúc đẩy quan điểm cho rằng bằng cách giải quyết vấn đề nhiệt độ đang tăng, thế giới sẽ loại bỏ được một trong những nguyên nhân gây ra khủng bố. Trả lời phỏng vấn đài CBC (Canada) trước thềm hội nghị, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đánh giá tình trạng biến đổi khí hậu có thể liên quan đến vấn nạn khủng bố hiện nay.
“Khi chúng ta không giải quyết hợp lý tình trạng biến đổi khí hậu, hậu quả có thể ảnh hưởng đến nhiều người. Có khả năng những người trẻ thất nghiệp hoặc cảm thấy nản chí vì tác động đó mà gia nhập các tổ chức khủng bố ở nước ngoài” - ông Ban Ki-moon cảnh báo.
Tuy nhiên, các bên tham gia đàm phán vẫn cần tìm được tiếng nói chung về không ít vấn đề nếu muốn hội nghị kết thúc tốt đẹp. Trước hết là tranh cãi về hình thức của thỏa thuận. Mỹ cho biết sẽ không ký kết một thỏa thuận ràng buộc pháp lý, nhất là khi rất ít hy vọng nó được thông qua tại thượng viện đang do phe Cộng hòa kiểm soát. “Chúng tôi tin rằng một thỏa thuận đề ra những mục tiêu ràng buộc pháp lý sẽ khiến nhiều nước không thể tham gia” - ông Todd Stern, người đứng đầu phái đoàn đàm phán Mỹ, bày tỏ. Trái lại, nhiều nước đang phát triển và Liên minh châu Âu (EU) lại không tán thành quan điểm này.
Nội dung thỏa thuận đang tìm kiếm cũng còn nhiều chuyện để bàn, trong đó có mục tiêu lâu dài là ngăn nhiệt độ tăng hơn 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Một số nước muốn mục tiêu này giảm xuống còn 1,5 độ C. Một tranh cãi khó tránh khác là chuyện tiền bạc. Từ năm 2009, các nước giàu đã cam kết hỗ trợ 100 tỉ USD cho những nước đang phát triển vào năm 2020 nhưng quá trình giải ngân đang gặp trục trặc. Ngoài ra, hiện vẫn chưa có thỏa thuận nào về vấn đề hỗ trợ tài chính sau năm 2020.
Trong khi đó, dù hơn 180 nước đã đề xuất kế hoạch cắt giảm khí thải nhưng câu hỏi được đặt ra tại hội nghị sắp tới là làm thế nào để kiểm chứng việc thực thi những cam kết này.
Bình luận (0)