Theo Bangkok Post, vào cuối tuần qua, Trung tâm Y khoa Genomics thuộc Bệnh viện Ramathibodi (Bangkok - Thái Lan) thông báo trên trang Facebook của mình rằng họ đã xác định được biến thể tái tổ hợp XE thông qua việc giải trình tự bộ gien một mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân là người Thái Lan.
Trung tâm cũng nhấn mạnh biến thể XE không phải là Deltacron - tên gọi mà nhiều người dùng để chỉ các biến thể tái tổ hợp giữa Delta và Omicron.
Người dân Bangkok đeo khẩu trang phòng Covid-19 khi tập thể dục - Ảnh: Apichart Jinakul
Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra lời cảnh báo về biến chủng phụ mới của SARS-CoV-2 là XE, vẫn được coi là một dạng Omicron, khi kết quả nghiên cứu sơ bộ báo cáo bởi Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA) cho thấy XE có khả năng lây truyền cao hơn 10% so với biến chủng phụ lây lan nhanh nhất của Omicron là BA.2 và cao hơn 43% so với Omicron "nguyên bản".
Tuy nhiên, tuyên bố của WHO cũng nhấn mạnh XE vẫn cần được theo dõi thêm để đánh giá toàn diện, bao gồm việc nó có thực sự lây lan nhanh thật hay không. XE đã xuất hiện tại Anh từ ngày 19-1 nhưng đến ngày 2-3 vẫn chỉ có hơn 600 ca được ghi nhận và đến nay vẫn chỉ chiếm khoảng 1% trên các trình tự gien SARS-CoV-2 được giải mã ở nước này.
Cho đến nay, không có bằng chứng cho thấy nó khác biệt về độc lực (khả năng gây bệnh nặng) so với các dòng Omicron khác.
XE là kết quả tái tổ hợp giữa BA.1 và BA.2 và thật ra không phải là "đứa con chung" duy nhất giữa 2 biến chủng phụ của Omicron này.
Theo danh sách Phân loại phát sinh loài trên các dòng bùng phát toàn cầu được đặt tên (PANGOLIN, được phát triển bởi các nhà khoa học Cambridgeshire - Anh), có tổng cộng 6 tái tổ hợp của BA.1 và BA.2, đó là XE, XG, XH, XJ, XK và XL.
Việc virus RNA tái tổ hợp không phải điều mới mẻ với khoa học và chính các biến chủng SARS-CoV-2 cũng nhiều lần xảy ra tái tổ hợp. Bản thân "Deltacron" từng khiến mọi người lo ngại hồi đầu năm thật ra gồm 2 dòng tái tổ hợp là XD và XF ở Anh và ở Pháp.
Tuy nhiên, Deltacron đã sớm bị các nhà khoa học loại khỏi danh sách đáng lo ngại bởi nó không tạo ra sự khác biệt đáng kể nào về lây truyền và độc lực. Chính biến chủng BA.2 từng gây hoang mang vì lây nhanh hơn tới 60% so với BA.1 cũng thôi gây lo lắng ở các quốc gia có tỉ lệ bao phủ vắc-xin tốt bởi các bằng chứng khoa học cho thấy nó không gây bệnh nặng hơn Omicron "nguyên bản".
Bình luận (0)