Đài BBC đưa tin những người biểu tình cố gắng xông vào Quốc hội Georgia, nơi nghị sĩ Nga Sergei Gavrilov trước đó tham dự một cuộc họp theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Georgia Irakli Kobakhidze. Ông Kobakhidze bị gây áp lực và phải thông báo từ chức ngày 21-6 sau khi cho phép nghị sĩ Gavrilov phát biểu bên trong tòa nhà Quốc hội nước này.
Bài phát biểu bằng tiếng Nga của nghị sĩ Gavrilov khiến người dân ở thủ đô Tbilisi phẫn nộ, dẫn tới các cuộc biểu tình bạo lực.
Cảnh sát đã sử dụng hơi cay và đạn cao su để trấn áp đám đông. Hậu quả, ít nhất 240 người bị thương.
Cảnh sát ngăn người biểu tình xông khi họ tập trung bên ngoài tòa nhà Quốc hội. Ảnh: Reuters
Cảnh sát đã sử dụng hơi cay và đạn cao su để trấn áp đám đông. Ảnh: AP
Điện Kremlin ngày 21-6 lên án các chính trị gia Georgia cực đoan gây ra các cuộc biểu tình, đồng thời mô tả đây là một "sự khiêu khích chống lại Nga". Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov kêu gọi chỉ trích những người tham gia.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo phe đối lập Georgia tuyên bố họ sẽ tổ chức biểu tình cho đến khi Quốc hội bị giải tán. Lãnh đạo của Liên minh Thống nhất đối lập Grigol Vashadze nói: "Người dân Georgia và các đảng đối lập yêu cầu Quốc hội thăm dò ý kiến. Chủ tịch Quốc hội và Bộ trưởng Nội vụ phải từ chức. Biểu tình sẽ tiếp diễn cho đến khi những yêu cầu này được đáp ứng".
Ngày 20-6, khoảng 10.000 người biểu tình đã tập trung bên ngoài tòa nhà Quốc hội nhưng sau đó giải tán vì cảnh sát trấn áp bằng hơi cay và đạn cao su. Những kẻ quá khích được nhìn thấy ném chai lọ và cố gắng giật khiên, mũ của cảnh sát. Đám đông còn giương cờ Georgia và biểu ngữ ghi dòng chữ: "Nga là kẻ chiếm đóng".
Theo Bộ Y tế Georgia, trong số những người bị thương bao gồm 38 cảnh sát và 14 dân thường.
Một ngày sau chuyến thăm của nghị sĩ Gavrilov khiến biểu tình bùng phát, Tổng thống Vladimir Putin đã cấm các hãng hàng không Nga bay đến Georgia. Động thái này sẽ gây áp lực lên ngành du lịch của Georgia - chiếm 7,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này năm 2018. Hơn 1,4 triệu người Nga đã đến Georgia hồi năm ngoái.
Moscow và Tbilisi dính vào cuộc chiến năm 2008 vì hai vùng lãnh thổ của Georgia là Nam Ossetia và Abkhazia. Thời điểm đó, không quân và xe tăng Nga được triển khai tới Nam Ossetia để "bảo vệ công dân Nga". Kết quả, lực lượng Georgia thất bại và rút lui.
Hiện tại, Nam Ossetia và Abkhazia được Nga hỗ trợ về quân sự và tài chính song người dân Georgia cáo buộc Nga "chiếm đóng" chúng.
Bình luận (0)