Theo trang tin Bloomberg, các cố vấn chính trị của Tổng thống Donald Trump tin rằng động thái nêu trên sẽ gây sức ép lên cựu Phó Tổng thống Joe Biden - đối thủ của ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng 2020, buộc ông đứng về phía Tổng thống Donald Trump hoặc về phía những người bị một số quan chức Nhà Trắng xem là phần tử gây bạo loạn.
Tuy nhiên, nước cờ này khiến ông chủ Nhà Trắng đứng trước rủi ro bị cử tri Mỹ quay lưng trong cuộc bầu cử sắp tới, đặc biệt là những người muốn tìm kiếm một nhà lãnh đạo chọn giải pháp khuyên giải và kêu gọi đoàn kết trong những thời điểm như hiện tại, thay vì đổ lỗi cho truyền thông và giới lãnh đạo Đảng Dân chủ về tình hình bạo loạn hoặc dùng lời lẽ đe dọa đám đông biểu tình bên ngoài Nhà Trắng.
Cảnh sát bắt giữ người biểu tình tại TP Minneapolis - Mỹ hôm 31-5 Ảnh: REUTERS
Mặc dù đã gửi lời chia buồn và cam kết về một cuộc điều tra liên bang nhằm vào cái chết của ông George Floyd - người đàn ông da màu thiệt mạng sau khi bị một cảnh sát da trắng ghì gối vào cổ ở TP Minneapolis, bang Minnesota - Tổng thống Donald Trump dường như không mấy mặn mà với lời yêu cầu "sửa đổi hệ thống" của đám đông biểu tình. "Tôi không nghĩ có sự phân biệt chủng tộc theo hệ thống. Tôi cho rằng 99,9% nhân viên thực thi pháp luật của chúng ta là những người Mỹ tuyệt vời" - Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien khẳng định với đài CNN.
Tình trạng bất ổn nêu trên diễn ra giữa lúc đại dịch Covid-19, đã cướp đi sinh mạng của hơn 100.000 người Mỹ, vẫn đang lây lan tại quốc gia này. Những người sẵn sàng xuống phố biểu tình giữa một đại dịch nghiêm trọng như Covid-19 chắc chắn sẽ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới - một nhân vật gần gũi với chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Doanld Trump dự đoán.
Tình trạng bạo lực và cướp phá vẫn diễn ra trong ngày 31-5 khi người biểu tình tiếp tục xuống đường để thể hiện sự giận dữ liên quan đến cái chết của ông Floyd. Theo Reuters, cướp bóc đã diễn ra tại miền Nam bang California trong khi một xe tải cỡ lớn lao vào đám đông biểu tình ở TP Minneapolis (bang Minnesota) và người biểu tình đụng độ với cảnh sát tại TP Boston (bang Massachusetts) và thủ đô Washington. Tính đến tối 31-5 (giờ địa phương), Lực lượng Vệ binh quốc gia Mỹ đã được triển khai đến 15 bang và thủ đô Washington nhằm khôi phục trật tự và an ninh.
Nhà bán lẻ lại trúng đòn?
Nhiều công ty lớn như Nordstrom, Apple, Target, Walmart buộc phải đóng hoặc hạn chế giờ hoạt động của hàng loạt cửa hàng bán lẻ trên khắp nước Mỹ vì làn sóng biểu tình, cướp bóc sau cái chết của ông Floyd. Trong khi đó, nhà bán lẻ trực tuyến Amazon thông báo đang theo dõi chặt chẽ tình hình. "Các cuộc biểu tình chắc chắn sẽ gây tổn hại đến một số doanh nghiệp nhất định, chẳng hạn như nhà bán lẻ và nhà hàng. Nếu bất ổn tiếp tục và lan rộng, tâm lý của các thị trường và nhà đầu tư có thể bị ảnh hưởng đáng kể" - ông Robert Phipps, Giám đốc Công ty Tài chính Per Stirling (Mỹ), nhận định với Reuters. Doanh thu bán lẻ tại Mỹ đã sụt giảm kỷ lục trong bối cảnh dịch Covid-19 buộc nhiều người dân ở nhà.
Theo một số chuyên gia khác, môi trường xã hội Mỹ hiện có nhiều điều gây lo lắng, đầu tiên là Covid-19 và giờ là các cuộc biểu tình. Điều này không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn tác động đến chính trường Mỹ thời gian tới. Ông Daiju Aoki, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Ngân hàng UBS Securities (Nhật Bản), nhận định tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Donald Trump đã sụt giảm vì những cuộc biểu tình đang diễn ra và điều này giúp cải thiện cơ hội thắng cử của cựu Phó Tổng thống Joe Biden trong cuộc bầu cử cuối năm nay.
Xuân Mai
Bình luận (0)