Trong số những điều kỳ diệu đang xuất hiện ở Nepal, không thể không kể tới trường hợp bé trai 4 tháng tuổi được cứu sống sau khi bị kẹt ít nhất 22 giờ dưới đống đổ nát cách thủ đô Kathmandu khoảng 80 km.
May mắn và bất hạnh
Em bé bụ bẫm may mắn không bị nội thương dù thân thể dính đầy bụi đất. Báo Kathmandu Today cho biết lúc đầu, các binh sĩ Nepal không biết bé bị mắc kẹt nhưng tiếng khóc vọng lên đã khiến họ quay trở lại tìm kiếm.
May mắn không kém, chàng thanh niên 28 tuổi có tên Rishi Khanal được đội cứu hộ chung Nepal - Pháp giải cứu khỏi chung cư bị sập ở Kathmandu vào trưa 28-4 (giờ địa phương) sau khoảng 80 giờ bị chôn vùi cùng với 3 thi thể. Mắc kẹt trong cảnh không thực phẩm, nước uống, Khanal kể anh phải uống nước tiểu của mình cầm hơi. Khanal bị gãy chân nhưng sức khỏe ổn định.
Ngoài ra, theo đài NDTV, một phụ nữ tên Sunita Sitoula được đội cứu hộ Ấn Độ cứu sống sau 50 giờ kẹt giữa 2 mảnh vỡ lớn của một tòa nhà ở Basundhara thuộc vùng Maharajgunj. Không còn hạnh phúc nào hơn khi bà được đoàn tụ với chồng và 2 con trai.
Cặp đôi Buddhiman Tamang (26 tuổi) và Sita (22 tuổi) cũng may mắn sống sót khi động đất ập tới lúc họ chuẩn bị đãi tiệc cưới với sự tham dự của hơn 200 khách mời tại ngôi làng Archale dưới chân dãy Himalaya. 15 khách mời đã thiệt mạng và gần như toàn bộ ngôi làng trở nên tiêu điều.
Thung lũng Gorkha và quận Lamjung gần đó, nơi là tâm chấn của trận động đất, cũng chứng kiến không ít chuyện đau lòng. Theo Reuters, một phụ nữ tên Sunthalia buộc phải tự xoay xở nhiều giờ liền mới kéo được thi thể 2 người con ra khỏi ngôi nhà bị sập. Ngồi bệt trên mặt đất cạnh đứa con trai 4 tuổi may mắn thoát chết, mặt bà Sunthalia còn hằn nguyên nỗi đau đớn. Do chồng đi làm tận Ấn Độ, tự tay bà đã đào và cứu được đứa con 4 tuổi nhờ nhìn thấy “những ngón tay của nó khẽ rung lên qua đống đá”.
Tháo chạy khỏi Kathmandu
Hai đứa con của bà Sunthalia thuộc số hơn 5.100 người thiệt mạng, bên cạnh hơn 10.260 người bị thương, trong thảm họa động đất hôm 25-4. Chính phủ Nepal tuyên bố quốc tang trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày 29-4.
Thủ tướng Nepal Sushil Koirala thừa nhận việc thiếu thốn trang thiết bị và chuyên gia cứu hộ khiến nhà chức trách không thể đáp ứng “những lời kêu cứu từ khắp mọi nơi”. Hoạt động cứu hộ còn bị cản trở bởi đường đi hiểm trở, trời mưa lớn cùng ít nhất 98 dư chấn mạnh và khoảng 400 dư chấn nhỏ được ghi nhận trong vòng 72 giờ sau động đất.
Theo Liên Hiệp Quốc, một thông tin tích cực là hoạt động cứu trợ đã được mở rộng đến một số khu vực khác ngoài Kathmandu, trong đó có 2 quận Dhading và Gorkha, hôm 29-4. Dù vậy, diễn biến này không đủ xoa dịu sự bất bình của người dân đối với nỗ lực cứu hộ của chính phủ.
Dòng người rời bỏ Kathmandu ngày một tăng vì lo sợ dư chấn cũng như nguy cơ dịch bệnh lây lan do có quá nhiều xác chết. Tình trạng quá tải cũng xuất hiện tại sân bay Kathmandu, nơi nhiều du khách đang cố hết sức để được lên máy bay trở về nhà. Các hãng hàng không buộc phải tăng thêm chuyến bay nhưng vẫn không thể đáp ứng đủ yêu cầu. Sức ép lên sân bay càng gia tăng khi nhiều nước cử máy bay chở hàng cứu trợ đến đây.
Hỗ trợ người Việt tại Nepal
Ngày 29-4, đoàn công tác đặc biệt của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, do Công sứ Trần Quang Tuyến làm trưởng đoàn, đã đến Kathmandu để trực tiếp hỗ trợ công dân Việt Nam đang ở Nepal.
Cho đến nay, đã xác định thêm nhiều nhóm người Việt an toàn, bao gồm:
1. Nhóm 2 người gồm Trương Bảo Hân và Phạm Thanh Tùng, đi du lịch Lumbini đã về Kathmandu.
2. Nhóm 6 người gồm Nguyễn Huệ Phương, Phạm Hồng Yến, Đỗ Như Huệ, Huỳnh Thị Minh Trang, Trung Liên Cương và Vũ Thị Quỳnh Như đang ở Kathmandu.
3. Nhóm 11 người gồm Trần Mai Trâm, Nguyễn Thế Nghĩa, Trần Hoàn Anh, Đinh Ngọc Tiêu Phụng, Hồ Thị Kim Nga, Trần Thị Hương Giang, sư thầy Nguyễn Tuấn Anh, sư thầy Bùi Quốc Anh, sư cô Nguyễn Thị Thông, sư cô Hoàng Thị Đoan, Trần Hồng Ngọc đang ở Kathmandu.
4. Nhóm 4 người gồm Nguyễn Hà Cẩm Tú, Cao Thị Hồng Nhung, Huỳnh Quốc Huy, Đoàn Ngọc Tiến.
5. Nhóm Phan Thu Giang và các bạn.
6. Nhóm 2 người gồm Nguyễn Phương Thanh và Nguyễn Mạnh Linh đang ở Kathmandu.
7. Nhóm Nguyễn Thị Bích Ly và Hiếu Hà Trung.
8. Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh Mai, anh Phạm Duy Khánh và một gia đình Việt kiều khác ở Kathmandu.
9. Gia đình chị Hviet Knul, người dân tộc thiểu số ở Đắc Lắk, sang Nepal làm ăn đã thông báo an toàn.
10. Nhóm 5 người gồm Nguyễn Thị Minh Châu, Lợi Hồng Thanh, Đoàn Thị Diễm Chi, Nguyễn Đình Tấn Vũ, Lưu Lê Minh Khải đang ở đỉnh Namche và đã có trực thăng đưa xuống núi.
Các nhóm đang tiếp tục xác định:
1. Quách Thùy Linh vẫn liên lạc được với gia đình và cho biết đang ở Lobuche.
2. Hai du học sinh từ Singapore đến Nepal là Nguyễn Tấn Luật và Trần Ngọc Việt Tú.
3. Nhóm 6 người, trong đó có Phan Vũ Quỳnh Nga khởi hành từ TP HCM đi Nepal hôm 20-4.
Thông tin về người Việt tại Nepal đề nghị báo về số điện thoại +84981848484 và +84462844844 (Bộ Ngoại giao); +911126879852 (Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ).
Chiều 29-4, Công ty AIG Travel Asia Pacific thông báo đã sắp xếp trực thăng riêng để đưa toàn bộ khách hàng, trong đó có 5 công dân Việt Nam trên đỉnh Namche, về Kathmandu; tiếp đó, chuẩn bị visa quá cảnh và máy bay dân sự có sức chứa 189 người để đưa họ đến New Delhi - Ấn Độ.
D.Ngọc
Bình luận (0)