Google vừa bị cơ quan chống độc quyền của Pháp giáng án phạt 500 triệu euro (khoảng 593 triệu USD) hôm 13-7 với lý do "không thương lượng một cách thiện chí với các cơ quan truyền thông mà công cụ tìm kiếm này lấy tin".
Cán cân quá chênh lệch
Giới chức Pháp cho Google 2 tháng để đàm phán lại với các công ty truyền thông, nếu không thì hãng này có thể phải chịu thêm tiền phạt 900.000 euro/ngày (hơn 1 triệu USD).
Vụ Pháp phạt Google được theo dõi sát sao bởi đây là một trong những án phạt mới nhất theo chỉ thị về bản quyền mới được Liên minh châu Âu (EU) thông qua năm 2019, với mục đích buộc các nền tảng internet phải trả tiền cho các cơ quan truyền thông để lấy tin tức.
Google và Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới, lập luận họ đang hỗ trợ giới truyền thông bằng cách đem lại lưu lượng truy cập.
Phía truyền thông phản pháo rằng Google đã thay đổi cách hoạt động quá nhiều. Trong những ngày đầu, hiển thị tìm kiếm trên Google chỉ là một danh sách đường link dẫn đến các trang web của truyền thông.
Nhưng hiện nay, Google thường tự trả lời những thắc mắc của người dùng bằng cách hiển thị hình ảnh cỡ lớn và các đoạn văn bản trích dẫn, khiến người dùng cảm thấy không cần phải nhấp vào đường link nữa. Tương tự, Facebook hiển thị tựa đề, hình ảnh và một đoạn thông tin (đôi khi) đủ để người dùng không đi tiếp vào trang chính của các tờ báo.
Một số tờ báo Pháp đã đạt được thỏa thuận bản quyền với Google gần đây. Ảnh: REUTERS
Theo báo The Wall Street Journal, các đơn vị truyền thông cho rằng họ không được trả tiền mua tin tức là vì cán cân quyền lực quá chênh lệch giữa họ và các nền tảng công nghệ. Vai trò tải tin tức của các Big Tech quá quan trọng, khiến giới báo chí không còn cách nào hơn là tuân theo các điều kiện của họ.
The Wall Street Journal cũng cho biết doanh thu quảng cáo của Google và Facebook rất cao, lần lượt là 181,69 tỉ USD và 86 tỉ USD. Ngược lại, doanh thu quảng cáo của ngành tin tức ngày càng teo tóp.
Không chỉ EU mà chính phủ nhiều nước khác như Anh, Canada... cũng muốn can thiệp khi thấy ngành báo chí thua thiệt về tài chính quá rõ ràng.
Cũng trong năm 2021, Google và Facebook đã đụng độ với chính phủ Úc hồi tháng 2, trong thời gian nước này chuẩn bị ban hành luật bản quyền theo hướng hỗ trợ các đơn vị truyền thông.
Ban đầu, Google và Facebook cùng đe dọa "ngắt" hoạt động của mình ở Úc. Nhưng sau đó, trong khi Facebook ngừng hiển thị tin tức của báo chí Úc trong 5 ngày (từ ngày 18 đến 23-2) thì Google hôm 24-2 thông báo đã ký thỏa thuận toàn cầu trong thời hạn 3 năm "trị giá hàng chục triệu USD" với News Corp - tập đoàn của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch và đồng thời là công ty mẹ của The Wall Street Journal cùng hàng loạt cơ quan thông tấn Úc.
Chính phủ vào cuộc
Ngày 25-2, Quốc hội Úc thông qua luật bản quyền nói trên với tên gọi "Bộ luật Thỏa thuận tin tức truyền thông". Theo bộ luật, nếu công ty công nghệ và đơn vị truyền thông không đạt được thỏa thuận, mỗi bên sẽ đưa ra giá đề nghị cuối cùng và cơ quan trọng tài chọn lấy một.
Như vậy, Úc trở thành quốc gia đầu tiên sẽ quyết định mức giá mà các đại gia công nghệ phải trả một khi các cuộc ngã giá thương mại thất bại. Dù vậy, theo Reuters, bộ luật ban hành đã được "hạ đô" sau cú đụng độ phút cuối. Chẳng hạn, luật cho phép chính phủ giải thoát Facebook hoặc Google khỏi cơ chế trọng tài nếu họ chứng minh đã "đóng góp đáng kể" cho ngành công nghiệp tin tức Úc. Ngoài ra, luật cũng kéo dài thời hạn thương lượng trước khi chính phủ can thiệp.
Vai trò "chiếu trên" của Big Tech đối với cơ quan truyền thông có thể thấy rõ qua 5 ngày Facebook đóng cửa với báo chí Úc. Theo dữ liệu của Công ty Phân tích Chartbeat (Mỹ), các cơ quan truyền thông Úc nhận thấy lưu lượng đến từ độc giả ngoài nước giảm khoảng 20% chỉ vài giờ sau khi Facebook không cho họ chia sẻ tin tức lên nền tảng này.
Dù vậy, trước sức ép của chính phủ Úc, Facebook đang đàm phán với nhiều tập đoàn truyền thông hàng đầu nước này, bao gồm Seven West Media, Nine Entertainment và Australian Broadcasting Corp (ABC).
Google cũng vậy, ngoài thỏa thuận với Tập đoàn News Corp kể trên, công cụ tìm kiếm số 1 thế giới cũng thông báo đạt thỏa thuận 3 năm - theo Reuters là trị giá 62 triệu euro - với một số tờ báo nổi tiếng của Pháp như Le Monde, L’Obs và Le Figaro. Đại gia này cũng đang chốt lại thỏa thuận về giấy phép toàn cầu với AFP, một trong những hãng tin lớn nhất của Pháp.
Sau án phạt của Pháp, Google khẳng định sẽ tiếp tục thương lượng với các công ty truyền thông. Trong khi đó, cơ quan giám sát cạnh tranh của Úc hồi đầu tháng 7 đã đưa ra dự thảo ủy quyền cho Country Press Australia (CPA), tổ chức đại diện cho 81 công ty truyền thông với 160 đầu báo khắp đất nước, để "đàm phán ngang cơ" với Google và Facebook.
Google mở rộng News Showcase
Tập đoàn Google (Mỹ) vừa ký thỏa thuận hợp tác với 8 tập đoàn truyền thông ở Canada trong khuôn khổ ứng dụng News Showcase.
Theo hãng tin The Canadian Press, Google không tiết lộ giá trị cụ thể của thỏa thuận trên mà chỉ nói đây là một phần trong cam kết toàn cầu trị giá hơn 1 tỉ USD dành để mua bản quyền tin tức công bố hồi năm ngoái.
Ứng dụng Google News Showcase .Ảnh: INDIA TV
News Showcase bắt đầu hoạt động từ tháng 10-2020, sau hàng loạt cuộc chiến về việc trả tiền lấy tin giữa Google với các cơ quan truyền thông ở Anh, Pháp cùng nhiều nước khác.
Trong khuôn khổ News Showcase, Google sẽ mua bản quyền tin tức và cung cấp miễn phí các bài báo có tính phí cho bạn đọc. News Showcase hướng tới hoạt động toàn cầu và hiện đã có mặt ở Anh, Đức, Úc... sau thỏa thuận với hơn 700 tổ chức tin tức.
Ông Tim Currie, người đứng đầu Trường Báo chí thuộc Trường ĐH King (Canada), cho rằng rất khó để đánh giá tầm quan trọng của thỏa thuận giữa Google và các tập đoàn truyền thông Canada. Tuy nhiên, ông Currie thừa nhận thỏa thuận giữa công ty truyền thông và đại gia công nghệ là quan trọng đối với sự sống còn của lĩnh vực tin tức, cho phép báo chí phát triển mạnh hơn.
Hồi giữa tháng 5, Google cũng thông báo thỏa thuận với 30 cơ quan truyền thông Ấn Độ liên quan tới ứng dụng News Showcase. Giám đốc Tạp chí Báo chí tự do (Ấn Độ) Abhishek Karnani cho biết News Showcase giúp tăng lượng truy cập vào trang web của họ.
Nhiều giám đốc điều hành của các tổ chức truyền thông khác tin rằng ứng dụng này "cung cấp gói cứu trợ tài chính ngắn hạn cho ngành công nghiệp báo chí và thúc đẩy việc xây dựng nội dung có trả phí".
Phạm Nghĩa
Bình luận (0)