Trả lời phỏng vấn hãng tin AP trước thềm ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), bà Mlambo-Ngcuka cho biết dù 189 quốc gia đã thông qua kế hoạch thúc đẩy quyền bình đằng cho phụ nữ tại Hội nghị Phụ nữ của LHQ ở thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc vào năm 1995 nhưng tiến triển đạt được là chưa nhiều. Chẳng hạn, theo quan chức này, chưa đến 20 nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ các nước là phụ nữ trong khi tỉ lệ nữ nghị sĩ chỉ tăng từ 11% lên 22% trong 20 năm qua. Vì thế, tại cuộc họp vào tuần tới, Ủy ban về địa vị của phụ nữ dự kiến xem lại cam kết hành động về bình đẳng năm 1995 - trong đó kêu gọi các chính phủ chấm dứt phân biệt đối xử với phụ nữ và thu hẹp khoảng cách về giới trong 12 lĩnh vực quan trọng, như y tế, giáo dục, việc làm, chính trị…
Tiền lương là một trong những dấu ấn rõ nhất về sự bất bình đẳng giới hiện nay. Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) hôm 5-3 cho biết phụ nữ nhận lương ít hơn nam giới bình quân 16,4% tại các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2013. Estonia là nước có khoảng cách chênh lệch lớn nhất (29,9%), theo sau là Áo (23%), Cộng hòa Czech (22,1%) và Đức (21,6%). Cũng theo Eurostat, bất bình đẳng giới còn thể hiện ở chức vụ công việc: Khoảng 2/3 giám đốc điều hành, nhà quản lý là nam giới trong khi 2/3 nhân viên văn phòng là phụ nữ.
Trong khi đó, tại Mỹ, một cuộc khảo sát trực tuyến tiến hành từ ngày 27-2 đến 3-3 cho thấy 2/3 trong số 2.348 người được hỏi tin rằng nam giới đang hưởng lương cao hơn phụ nữ. Ngoài ra, 51% đề nghị chính phủ nỗ lực hơn để có một hệ thống lương bổng công bằng giữa nam và nữ.
Bình luận (0)