Báo The Korea Heral dẫn lời Viện Nghiên cứu Năng lượng Hàn Quốc (KIER) hôm 3-5 cho biết bộ lọc không khí dạng hạt hiệu quả cao kể trên được phát triển dựa vào hiệu ứng quang nhiệt đầu tiên trên thế giới - còn được gọi là bộ lọc HEPA.
Hiệu ứng quang nhiệt được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như phân phối thuốc, tế bào chết, cảm biến và pin năng lượng mặt trời. Hiệu ứng này là cơ chế hấp thụ năng lượng ánh sáng và biến nó thành nhiệt năng của một loại vật chất.
Các nhà khoa học Hàn Quốc công bố công nghệ sản xuất bộ lọc HEPA quang nhiệt bằng cách phủ bộ lọc HEPA hiện có bằng các hạt nano kim loại plasmonic tạo ra hiệu ứng quang nhiệt.
Các nhà nghiên cứu tại Viện KIER thử nghiệm hiệu suất nhiệt của bộ lọc diệt virus SARS-CoV-2. Ảnh: The Korea Heral
Theo nghiên cứu, khi bộ lọc HEPA quang nhiệt được bức xạ bằng các điốt phát quang trong dải ánh sáng nhìn thấy được, không gây hại cho cơ thể con người và được làm nóng tới 60 độ C hoặc cao hơn trong vòng 10-15 giây, các tế bào virus và vi khuẩn sẽ bị giết chết.
Viện KIER cho biết các bộ lọc HEPA hiện có được lắp đặt trong hệ thống lọc không khí rất dễ bị nhiễm khuẩn thứ cấp do những chất ô nhiễm bám vào chúng, tạo ra môi trường thân thiện với vi khuẩn. Bộ lọc HEPA sử dụng tia cực tím giúp ngăn chặn tình trạng này nhưng tia UV làm giảm tuổi thọ của bộ lọc vì tình trạng ăn mòn.
"Bằng cách áp dụng công nghệ bộ lọc HEPA quang nhiệt, có thể loại bỏ tới 99,9% virus được thu thập trong bộ lọc. Vì vậy, mọi nhiễm khuẩn thứ cấp có thể được ngăn chặn bởi vi khuẩn và virus không thể sinh sôi trong bộ lọc" - tác giả chính của bản nghiên cứu Yoo Seung-hwan chia sẻ.
Viện KIER nói thêm bộ lọc mới có thể dễ dàng lắp đặt vào các bộ lọc hiện có. Nhà phát triển bộ lọc không khí Cleantech (đặt trụ sở tại Busan - Hàn Quốc) đã được cấp phép để sản xuất bộ lọc mới này. Cleantech đang trong quá trình xây dựng cơ sở sản xuất bộ lọc HEPA quang nhiệt và lên kế hoạch tung ra sản phẩm vào cuối năm nay.
Bình luận (0)