Trong khi đó, báo chí Mỹ đưa tin nhà sản xuất bộ phim là Sam Bacile, một người Mỹ gốc Israel 56 tuổi hoạt động trong lĩnh vực bất động sản ở California. Tuy nhiên, cái tên Sam Bacile cho thấy ông này có thể có nguồn gốc Ai Cập. Hiện thời, Sam Bacile đang lẩn trốn tại một nơi bí mật, theo AP.
Bacile gọi bộ phim có chi phí sản xuất 5 triệu USD của mình là “bộ phim chính trị”. Phim mô tả Hồi giáo như một "căn bệnh ung thư" và đấng tiên tri Mohamed được tô vẽ thành người lăng nhăng, quan hệ đồng tính, thậm chí là lạm dụng trẻ em...
Người biểu tình Ai Cập giật cờ Mỹ tại đại sứ quán Mỹ ở Cairo ngày 11-9. Ảnh: Reuters
Chính vì bộ phim này mà hàng ngàn người Ai Cập đã tụ tập biểu tình trước cửa Đại sứ quán Mỹ ở Cairo chiều 11-9, nhiều người còn leo tường giật cờ Mỹ xuống xé rách. Vụ tấn công đẫm máu vào lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi (Libya) cùng ngày khiến Đại sứ Mỹ tại Libya Christopher Stevens và 3 quan chức ngoại giao khác thiệt mạng cũng bắt nguồn từ sự giận dữ dành cho bộ phim “báng bổ” trên.
Tại Ai Cập, các bộ trưởng nước này đồng loạt chỉ trích bộ phim trong một cuộc họp, đồng thời yêu cầu chính phủ Mỹ thể hiện quan điểm rõ ràng đối với nhà làm phim nói trên. Trước đó, Đại giáo chủ Ai Cập Ali Gomaa cũng lên án bộ phim đã "làm tổn thương hàng triệu người Hồi giáo trên khắp thế giới". Tổ chức Anh em Hồi giáo của Ai Cập ngày 12-9 đã kêu gọi biểu tình trên toàn quốc vào ngày 14-9 để phản đối bộ phim.
Bộ Ngoại giao Iran cũng nhanh chóng tấn công bộ phim "đáng khinh bỉ" về đạo Hồi. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, ông Ramin Mehmanparast, nhấn mạnh: "Sự im lặng một cách có hệ thống và liên tiếp của chính phủ Mỹ đối với những hành động đáng lên án như vậy là lý do cơ bản khiến các hành động này tiếp tục diễn ra". Theo ông, Mỹ có trách nhiệm ngăn chặn sự lan rộng của xu hướng nguy hiểm này.
Cùng ngày, chính phủ Afghanistan ra tuyên bố kịch liệt lên án bộ phim trên là "vô nhân đạo và báng bổ". Tuyên bố của phủ tổng thống nước này nêu rõ "sự căm phẫn”, đồng thời khẳng định bộ phim đã gây ra sự đối đầu tôn giáo và văn hóa, là "một cú giáng mạnh vào hòa bình và sự chung sống" của hai lĩnh vực này.
Taliban cũng nhân cơ hội kêu gọi người dân Afghanistan trả thù bằng cách trút giận lên đầu các binh sĩ Mỹ. Trước đó, tại Afghansitan, các vụ bạo động đã làm gần 40 người thiệt mạng đầu năm 2012 sau khi quân đội Mỹ tại căn cứ quân sự Bagram đốt bản in của cuốn kinh Koran.
Bình luận (0)