Bộ trưởng Carter nhấn mạnh cấu trúc an ninh phải tạo nền tảng cho sự hợp tác, chứ không phải cưỡng ép. Theo ông, Mỹ muốn châu Á có một cấu trúc an ninh khu vực phục vụ cho sự vươn lên và thịnh vượng.
Theo ông Carter, các thách thức hiện nay ở châu Á - Thái Bình Dương bao gồm: Triều Tiên, tự do hàng hải, biến đổi khí hậu, khủng bố và tấn công mạng.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng đề cập đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và gọi đây là chìa khóa mở ra các cơ hội kinh tế to lớn, không chỉ cho Mỹ mà còn cho các quốc gia men theo vành đai Thái Bình Dương. Theo ông, TPP là một phần của giai đoạn 2 – về kinh tế - của chính sách tái cân bằng.
Ông Carter phát biểu châu Á là điểm tựa của kinh tế toàn cầu. Chính sách tái cân bằng của Mỹ sẽ kéo dài, cả về quân sự và kinh tế. “Việc đoàn nghị sĩ quốc hội Mỹ có mặt tại Đối thoại Shangri-La 15 đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng (Dân chủ và Cộng hòa) dành cho chính sách tái cân bằng của Mỹ sang châu Á” – ông Carter khẳng định, đồng thời nói thêm chiến lược này nhằm phát triển châu Á – Thái Bình Dương chứ không phải để kìm hãm bất cứ quốc gia nào.
Về biển Đông, ông Carter khẳng định Mỹ có quyền can dự và lo ngại đối với vấn đề này. "Chúng ta đều có lợi ích cơ bản trong an ninh biển Đông" - ông nói và cho rằng Mỹ quan ngại sâu sắc trước những căng thẳng ở vùng biển này cũng như phản đối bất cứ giải pháp quân sự nào và khuyến khích ASEAN cùng Trung Quốc hợp tác.
Theo các chuyên gia đang dự phiên thảo luận, Bộ trưởng Carter đã "đánh" mạnh vào Trung Quốc khi tỏ ra "lo ngại sâu sắc" trước những ý đồ thay đổi hiện trạng và gây bất ổn trên biển Đông. Theo ông, chỉ trong vòng 18 tháng qua, Trung Quốc đã lấn đất đến hơn 800 ha ở biển Đông.
Bình luận của ông Carter được đưa ra một ngày sau khi Lầu Năm Góc xác nhận thông tin Trung Quốc đã điều pháo tới một trong những đảo nhân tạo nước này xây dựng ở Biển Đông. Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain gọi đây là "một bước phát triển leo thang và đáng lo ngại".
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Đại tá Steve Warren, cho hay Mỹ đã nhận dạng được 2 hệ thống pháo trên một hòn đảo nhân tạo, được phát hiện lần đầu tiên vài tuần trước, nhưng không rõ liệu các vũ khí này hiện có còn ở đó hay không. "Việc quân sự hóa các đảo này là điều chúng tôi phản đối" - ông Warren nhấn mạnh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 29-5 nói không có thông tin gì về những vũ khí này.
Trung Quốc phản ứng
Phái đoàn Trung Quốc tại Shangri-La phản ứng những chỉ trích của ông Carter là "không đúng chỗ". "Tự do hàng hải ở biển Đông không phải là vấn đề vì tự do chưa bao giờ bị ảnh hưởng. Thật sai lầm khi chỉ trích Trung Quốc làm ảnh hưởng hòa bình và ổn định thông qua hoạt động xây dựng đảo" - Đại tá Zhao Xiaozhuo, thuộc Viện Khoa học quân sự Trung Quốc, nói.
Giáo sư Thẩm Đinh Lập, một học giả hàng đầu Trung Quốc, cũng đã biện hộ cho hoạt động cải tạo đất sai trái của nước này ở biển Đông khi cho rằng hành động này chỉ nhằm phát triển vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) còn “chưa đủ rộng” của Bắc Kinh.
Phát biểu tại một diễn đàn bên lề Đối thoại Shangri-La, ông Thẩm giải thích rằng EEZ của Trung Quốc còn quá nhỏ nếu tính trên nhu cầu bình quân đầu người của nước này, trong đó có tài nguyên cá.
"Người dân Trung Quốc muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng tài nguyên đất nước không thể đáp ứng đủ nhu cầu chính đáng này” – ông Thẩm, hiện là phó viện trưởng Viện nghiên cứu quốc tế thuộc Trường ĐH Phục Đán, biện bạch. Theo ông, Bắc Kinh đã ký tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS) vào năm 1988 mà không suy nghĩ đến những nhu cầu của mình 30 năm sau. Dù vậy, giáo sư này cho rằng nước ông không nên rút khỏi UNCLOS.
Học giả này cũng tìm cách đánh bóng tên tuổi nước mình khi cho rằng Trung Quốc chỉ muốn khẳng định chủ quyền đối với EEZ dựa trên đảo mà “không muốn chiến tranh, ra tòa án quốc tế hoặc chấm dứt chính sách đối ngoại hòa bình”. Ông Thẩm còn tìm cách đánh lạc hướng dư luận khi kêu gọi hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) ngay cả khi Bắc Kinh không ngừng leo thang căng thẳng tại vùng biển này.
Thủ tướng Singapore kêu gọi Mỹ - Trung không phân chia khu vực
Trong bài phát biểu khai mạc tối 29-5, Thủ tướng Lý Hiển Long kêu gọi Mỹ và Trung Quốc không sử dụng sức mạnh quân sự để chia khu vực châu Á - Thái Bình Dương thành “hai vùng ảnh hưởng riêng biệt” vì khu vực này “đủ rộng lớn” để chứa cả hai cường quốc.
Nhà lãnh đạo Singapore nhấn mạnh khái niệm “đủ rộng lớn” nghĩa là “có đủ không gian trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương để Mỹ và Trung Quốc can dự cũng như cạnh tranh một cách hòa bình, và giải quyết các vấn đề một cách xây dựng mà không làm gia tăng căng thẳng”.
Theo ông Lý, sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc là điều khó tránh khỏi nhưng mối quan hệ song phương này không phải là một trò chơi “có kẻ thắng người thua”. Vấn đề là hành động gia tăng ảnh hưởng của hai nước nên diễn ra trong khuôn khổ các chuẩn mực và quy tắc quốc tế. Ông cũng nhấn mạnh không nước nào ở châu Á muốn phải lựa chọn đứng về phía Washington hoặc Bắc Kinh.
Phát biểu trước hàng loạt quan chức quốc phòng và an ninh hàng đầu của Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, các nước châu Âu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Thủ tướng Lý cho biết ông ghi nhận sự cạnh tranh năng động giữa Bắc Kinh và Washington, thể hiện ở sự ra đời Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) được Trung Quốc hậu thuẫn và Hiệp định Thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ đóng vai trò thúc đẩy chính.
Vấn đề là Mỹ đang có sự dè dặt đối với AIIB và khuyến khích “bạn bè” mình không tham gia tổ chức này. Trong khi đó, một số nhà quan sát tin rằng những quy định của TPP đang được soạn thảo để cản trở Trung Quốc tham gia. Vì thế, ông Lý hy vọng trong tương lai Trung Quốc sẽ tham gia TPP và Mỹ cùng Nhật bản cũng sẽ làm điều tương tự với AIIB.
Tuy nhiên, ông Lý cảnh báo một mô hình cạnh tranh khác đang diễn ra ở biển Đông và biển Hoa Đông có thể dẫn đến những căng thẳng và hậu quả xấu mà bất kỳ quốc gia châu Á nào cũng sẽ bị thiệt hại.
“Tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, tàu và máy bay của Trung Quốc và Nhật Bản đang thử thách giới hạn chịu đựng của nhau. Còn ở biển Đông, những hành động đơn phương đang được tiến hành tại khu vực tranh chấp như khoan dầu khí, cải tạo đất, lập tiền đồn và tăng cường hiện diện quân sự” – nhà lãnh đạo Singapore nói, ám chỉ hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Bình luận (0)