Cụ thể, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Boris Johnson tuyên bố mâu thuẫn của Anh là với điện Kremlin chứ không phải với người Nga. "Cuộc cãi vã của chúng ta là với điện Kremlin của ông Vladimir Putin và quyết định của ông ta. Chúng tôi nghĩ rằng hành động ra lệnh sử dụng chất độc thần kinh trên đường phố của Anh rất có thể là quyết định của ông ấy" - ông Johnson tố cáo.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson chọc giận Moscow bằng cách nhận xét vào hôm 15-3 rằng: "Nga nên im miệng và đi đi".
Đáp lại, hãng tin TASS dẫn lời phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định cáo buộc nhắm vào ông Putin là "một sự vi phạm gây sốc và không thể tha thứ vào các quy tắc ngoại giao về cách cư xử khuôn phép". Bộ trưởng Ngoai giao Nga Sergei Lavrov thì nói ông Williamson là "bất lực trí tuệ" và "có thể thiếu giáo dục".
Bộ trưởng Ngoại giao Anh Boris Johnson tố ông Vladimir Putin chỉ đạo tấn công cựu điệp viên Nga. Ảnh: Reuters
Sau khi biết cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái bị tấn công bằng Novichok, một loại chất độc thần kinh phát triển dưới thời Xô Viết, Anh cáo buộc Tổng thống Putin có liên quan đến vụ việc đồng thời trục xuất 23 nhà ngoại giao bị cho là gián điệp. Hãng tin RIA dẫn lời đại sứ Nga tại Anh cho biết các nhà ngoại giao sẽ rời khỏi London vào ngày 20-3.
Moscow phủ nhận có liên quan đến vụ việc và cho rằng có thể chính London đã dựng lên vụ tấn công để kích động tâm lý chống Nga. Khi được hỏi liệu Nga có trục xuất nhà ngoại giao Anh để trả đũa không, Bộ trưởng Ngoại giao Lavrov mỉm cười và nói: "Dĩ nhiên là có".
Hãng tin RIA cũng nhắc lại quan điểm của phát ngôn viên điện Kremlin rằng không có "bằng chứng rõ ràng" nào cho thấy Nga có liên quan đến vụ tấn công. Tuy nhiên, ngoài Anh, Mỹ, Đức và Pháp cũng lên tiếng kêu gọi Nga giải thích vụ việc. Tổng thống Donald Trump cho rằng có vẻ như Nga đứng đằng sau vụ tấn công.
Trong một diễn biến khác, cảnh sát London đang điều tra cái chết của ông Nikolai Glushkov vào ngày 16-3. Ông Glushkov, bạn thân của nhà tài phiệt quá cố Boris Berezovsky, bị phát hiện tử vong tại nhà riêng ở London vào ngày 12-3. Cơ quan chức năng cho biết họ tin rằng ông Glushkov bị siết cổ đến chết và sẽ để các quan chức chống khủng bố dẫn đầu cuộc điều tra.
Đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy cái chết của ông Glushkov có liên quan đến vụ tấn công ông Skripal.
Bình luận (0)