Theo ông Esper, việc Bắc Kinh tập trung hiện đại hóa và thắt chặt kiểm soát PLA cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc xem lực lượng này là trọng tâm để đạt được các mục tiêu của họ. Nổi bật trong số này là mục tiêu tái định hình trật tự quốc tế theo những cách hủy hoại luật lệ được quốc tế chấp nhận, tạo ra các điều kiện cho phép Bắc Kinh đe dọa những nước khác và cản trở chủ quyền lãnh thổ của họ.
"Những động thái từ Trung Quốc đã thúc đẩy Bộ Quốc phòng Mỹ triển khai phản ứng toàn diện, đồng thời đẩy nhanh quá trình thực hiện Chiến lược Phòng thủ Quốc gia (NDS). NDS chỉ dẫn những nỗ lực của chúng tôi trong việc thích ứng và hiện đại hóa quân đội để gia tăng năng lực cạnh tranh, với Trung Quốc là trọng tâm" – Bộ trưởng Esper nhấn mạnh, trước khi nêu 3 bước giúp Washington đối phó Bắc Kinh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper khẳng định Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) không phải là một đội quân bảo vệ quốc gia như các lực lượng của Mỹ. Ảnh: Reuters
Thứ nhất, theo ông Esper, quá trình đối phó lâu dài với Trung Quốc đòi hỏi một lực lượng đủ năng lực cạnh tranh, răn đe và chiến thắng ở mọi mặt trận: trên không, trên đất liền, trên biển, ngoài vũ trụ và trên không gian mạng. Để thực hiện điều này, Lầu Năm Góc đang đầu tư vào những năng lực tiên tiến thông thường lẫn những công nghệ tạo bước ngoặt, như vũ khí siêu thanh, liên lạc 5G, hệ thống phòng không chống lên lửa tích hợp và trí tuệ nhân tạo...
Thứ hai, mở rộng và củng cố mạng lưới đồng minh và đối tác để tạo ra lợi thế mà các đối thủ không sánh được.
"Trong khi PLA tiếp tục các hành vi gây hấn đối với các nước láng giềng trong khu vực - như đâm chìm tàu cá Việt Nam, quấy rối hoạt động phát triển dầu khí của Malaysia và khẳng định những yêu sách hàng hải phi pháp, các lực lượng Mỹ tiếp tục củng cố quan hệ đối tác lâu dài và bảo vệ quyền lợi của tất cả các nước" – ông Esper khẳng định.
Theo ông Esper, cần xây dựng một lực lượng đủ năng lực cạnh tranh, răn đe và chiến thắng ở mọi mặt trận để đối phó lâu dài với Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Thứ ba, tiếp tục xây dựng năng lực cho các đối tác trên toàn thế giới. Điều này được thực hiện thông qua những chương trình như Sáng kiến An ninh Hàng hải (MSS) – nơi Mỹ đã hỗ trợ khoảng 394 triệu USD giúp củng cố năng lực hàng hải của các đồng minh và đối tác trên khắp khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
"Những động thái này giúp làm giảm mức độ dễ bị tổn thương của các nước trước hành vi bắt nạt của Trung Quốc, đồng thời giúp Mỹ mở rộng nỗ lực huấn luyện, tập trận, hoạt động và hoạch định chung" – Bộ trưởng Esper nói, trước khi nhấn mạnh cam kết của Washington trong việc sát cánh cùng đồng minh và đối tác trong nỗ lực chống lại hành vi ngang ngược của Bắc Kinh để bảo vệ hệ thống toàn cầu cởi mở và tự do.
Hải quân Mỹ, Nhật Bản, Úc trong một cuộc tập trận gần đây ở khu vực biển Philippines. Ảnh: Hải quân Nhật Bản
Bình luận (0)