Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) lần thứ XIX ủng hộ tham vọng của Tổng Bí thư - Chủ tịch Tập Cận Bình về một trật tự thế giới mới do Trung Quốc dẫn đầu đã khiến Mỹ thức tỉnh.
Cơ chế 4 bên
Cơ chế phát triển vượt mặt Trung Quốc và nguồn tài trợ của nước này ở các quốc gia châu Á như Nepal, Sri Lanka và Bangladesh, thậm chí có thể vươn đến châu Phi, đang được Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc xem xét. Theo trang Times of India (Ấn Độ), trong bình luận đầu tiên về chiến lược chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực và trên toàn thế giới, quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Alice Wells hôm 27-10 đã đề ra một khuôn khổ quy mô lớn cho sự hợp tác giữa Washington với Tokyo, New Delhi và Canberra hướng đến cơ chế 4 bên, tạo tiền đề cho sự phát triển sau đó.
Đánh giá chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại Nam Á hồi tuần qua, bà Wells cho biết: "Các quốc gia chia sẻ giá trị chung có khả năng đưa ra giải pháp thay thế cho những nước trong khu vực đang tìm kiếm sự đầu tư cần thiết cho cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế của họ. Chắc chắn rằng chúng tôi kết hợp các sáng kiến của mình và cung cấp cho các nước này những lựa chọn thay thế không bao gồm tài trợ vì mục đích lợi dụng hoặc những khoản nợ không thể trả nổi".
Chiến lược nói trên của Mỹ cũng nằm trong chương trình làm việc của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm khu vực châu Á, trong đó có thủ đô Bắc Kinh và Tokyo, vào tháng tới.
Nhấn mạnh về mối quan hệ hợp tác 3 bên hiệu quả giữa Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản, bà Wells cho biết Úc là đối tác tự nhiên trong nỗ lực nói trên và Washington đang cân nhắc cuộc họp 4 bên trong thời gian gần. Khi được hỏi Mỹ sẽ phản ứng như thế nào khi Trung Quốc xem đây là động thái tiêu cực và một phần trong kế hoạch chống lại Bắc Kinh, bà Wells cho hay: "Thật khó để xem cuộc họp của các nhà ngoại giao từ 4 quốc gia như là kế hoạch nhằm kiềm chế Trung Quốc".
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại thủ đô New Delhi trong chuyến thăm tuần qua. Ảnh: REUTERS
Thách thức "Vành đai và Con đường"
Hưởng ứng sáng kiến của Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono nói với trang Nikkei rằng nước này sẽ đề xuất một cuộc đối thoại chiến lược giữa các nhà lãnh đạo Mỹ, Ấn Độ và Úc nhằm chống lại sự bành trướng của Trung Quốc thông qua dự án "Vành đai và Con đường" (BRI). Thủ tướng Shinzo Abe dự kiến sẽ đưa ra ý tưởng này với Tổng thống Donald Trump vào ngày 6-11 khi cả hai tham dự Hội nghị Cấp cao APEC tại Việt Nam.
Đề xuất này nhằm tạo cơ hội cho các lãnh đạo 4 nước thúc đẩy hợp tác thương mại tự do và quốc phòng trên bộ cũng như trên biển ở Đông Nam Á và Nam Á, xa hơn nữa là Trung Đông và châu Phi. Ông Kono nhấn mạnh mục tiêu của dự án là thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao từ châu Á đến châu Phi. Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản cũng đã bàn về một chiến lược tổng thể cung cấp một giải pháp thay thế cho BRI của Trung Quốc và phản đối dự án lớn nhất của Bắc Kinh.
Trong khi đó, hầu hết các nước châu Á đang rất lo lắng về việc mặc cả chủ quyền để đổi lấy sự phát triển theo dự án này của Bắc Kinh. Năm tháng sau khi diễn ra hội nghị BRI, ngày càng nhiều chính phủ tự hỏi liệu họ có đang lao vào bẫy.
Trong bài phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington hôm 18-10, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã thẳng thừng chỉ trích Trung Quốc "thiếu trách nhiệm, làm suy mòn trật tự dựa trên luật pháp quốc tế". Chỉ trích cách thức nền kinh tế số 2 thế giới đầu tư vào các nước láng giềng, ông Tillerson còn chỉ rõ Bắc Kinh cung cấp tài chính tạo ra rất ít việc làm cho người dân địa phương và chỉ khiến họ nợ chồng chất.
Bình luận (0)