Tại hội nghị trực tuyến ba bên, các bộ trưởng Hiroshi Kajiyama của Nhật Bản, Piyush Goyal của Ấn Độ và Simon Birmingham của Úc cho biết đã giao các quan chức cấp dưới soạn thảo chi tiết của sáng kiến trên. Theo hãng tin Kyodo, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ sẽ lần lượt đóng góp công nghệ sản xuất, tài nguyên thiên nhiên và chuyên gia công nghệ thông tin để giúp cải thiện sức cạnh tranh và bảo vệ doanh nghiệp trước những rủi ro từ sự gián đoạn của chuỗi cung ứng.
Các bộ trưởng cũng kêu gọi những nước khác tại khu vực chia sẻ quan điểm và tham gia sáng kiến này. Trước mắt, họ hy vọng mở rộng sự hợp tác này với ASEAN - khu vực đóng vai trò quan trọng trong các chuỗi cung ứng.
Container hàng hóa tại một cảng ở thủ đô Tokyo - Nhật Bản . Ảnh: REUTERS
Theo trang Bloomberg, động thái trên diễn ra trong bối cảnh 3 nước trên đang tìm cách củng cố các chuỗi cung ứng để chống lại sự thống trị của Trung Quốc. Úc, Ấn Độ, Nhật Bản cùng với Mỹ đang là thành viên của Đối thoại an ninh bốn bên (còn gọi là "Bộ tứ kim cương"). Đây được xem là một diễn đàn chiến lược không chính thức, nơi 4 quốc gia trên tiến hành các hội nghị cấp cao, tập trận chung và thảo luận vấn đề hỗ trợ phát triển và kinh tế khu vực.
Dù vậy, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun hôm 31-8 cho biết Washington muốn nâng tầm "Bộ tứ kim cương" bằng cách tìm kiếm mối quan hệ quốc phòng chính thức kiểu NATO với 3 nước còn lại. Theo ông Biegun, mục tiêu là lập một "bức tường thành" gồm 4 nước "Bộ tứ kim cương" và những quốc gia khác tại khu vực để đối phó thách thức tiềm tàng từ Trung Quốc.
Phát biểu bên lề Diễn đàn Đối tác chiến lược Mỹ - Ấn Độ, ông Biegun cho biết nhóm "Bộ tứ kim cương" dự kiến họp tại New Delhi vào mùa thu năm nay. Ngoài ra, khả năng Úc tham gia các cuộc tập trận hải quân Malabar sắp tới là một ví dụ về bước tiến hướng đến một khối quốc phòng chính thức hơn. Cuộc tập trận Malabar được Mỹ và Ấn Độ tiến hành thường niên kể từ năm 1992 và chủ yếu diễn ra ở vịnh Bengal. Đến năm 2015, Nhật Bản bắt đầu tham gia cuộc tập trận này.
Bình luận (0)