Quan niệm cũng như công dụng của bói toán ngày xưa hoàn toàn khác với ngày nay. Khởi thủy, phương pháp này chỉ được những bậc thiên tử - con Trời - sử dụng khi gặp những vấn đề nan giải, khó quyết đoán, hoặc vua tôi bất đồng ý kiến..., khi ấy mới thành tâm bói rùa hoặc cỏ thi để thỉnh mệnh Trời, mục đích là chấm dứt mọi nghi ngờ, tất cả đồng lòng tuân theo, không còn chia rẽ, bàn tán.
Định thiên hạ
Công dụng của bói toán cổ đại là “thông thiên hạ chi chí, đoán thiên hạ chi nghi, định thiên hạ chi nghiệp”, tức làm cho mọi người vững tâm tin tưởng vào việc đang làm, thông cảm cùng nhau, thành công trong đại nghiệp, cho nên “không nghi ngờ thì không bói, việc phi nghĩa không bói” vì như thế là khinh nhờn Thượng đế.
Mỗi khi bói toán đều chép kết quả vào sách sử. Trong kinh điển Nho giáo như Kinh Thư ghi chép phần nhiều các cuộc bói rùa; Kinh Xuân thu ghi chép phần nhiều các cuộc bói cỏ thi.
Đức Khổng Tử trong bình giải Kinh Dịch có viết rằng: “Tìm hiểu những điều thâm u, nghiên cứu những việc uẩn áo, thu nhặt những điều sâu xa, thấu đạt những điều bí ẩn, định việc tốt - xấu trong thiên hạ, thúc đẩy mọi người nỗ lực, không gì lớn bằng bói rùa, bói cỏ thi”.
Theo người xưa, rùa là linh vật, một trong “tứ linh”, sống lâu nên linh thiêng, lại có mai nhô cao tượng trưng cho trời, bụng phẳng thấp tượng trưng cho đất. Chữ giáp cốt là tượng chữ đầu tiên của Trung Hoa, hầu hết là những lời dự đoán cát hung được khắc trên mai rùa. Cỏ thi là linh thảo, mỗi gốc có 100 nhánh, thứ cỏ thiêng này chỉ mọc ở vùng mộ vua Phục Hy và Khúc Phụ - cố hương của Khổng Tử. Các đời Hạ, Thương, Chu đều lập ra quan thái bốc chuyên coi việc bói cũng như chức quan trông giữ rùa, mai rùa dùng cho việc bói.
Bói rùa sống
Cổ nhân chia rùa ra làm 10 loại, trong đó loại linh quy, bảo quy, văn quy là rất hiếm thấy, mà thần quy lại càng hiếm hơn và chỉ có loại này mới được sử dụng để bói sống.
Tương truyền loài thần quy thường sống hàng ngàn năm, khi đến 800 năm thì cơ thể chúng trở nên bé nhỏ như đồng tiền mà thôi. Loài này mùa hạ ở trên hoa sen, mùa đông ẩn trong ngó sen. Khi thỉnh được thần quy về thì đặt lên hương án khấn vài chuyện muốn hỏi, dựa vào màu sắc và động tác của rùa để dự đoán.
Như muốn đoán chuyện sống chết của một người, nếu sống thì những hoa văn trên mai thần quy sẽ hiện màu đỏ tựa hoa đào, ngược lại nếu hiện màu xám đen là điềm dữ. Hoặc nếu là việc tốt nên làm thì thần quy sẽ nhổm cao lên, việc xấu thì nằm yên không động đậy... Vì rất hiếm gặp thần quy nên phần lớn người ta sử dụng phép bói bằng cách hơ nóng mai rùa.
Coi mai rùa
Phải chọn rùa lớn, có sắc vàng tươi; rùa nhỏ, rùa đen đều không dùng, sau khi hiến tế thì giữ phần mai rùa. Thông thường, chính giữa mai rùa có một đường thẳng chạy từ dưới lên trên, gọi là “Thiên lý lộ”, có năm đường chạy ngang chia thành ba khoảng trống, người bói có thể tùy ý vạch một, hai đường trên khoảng trống ấy để cầu đoán.
Hơ mai rùa phải đủ “ngũ hành”: Đặt mai rùa lên trên chậu nước trong có bỏ tiền đồng, đặt chậu nước lên khung gỗ treo, bên dưới đốt bằng loại than được chế từ bột chì, than gỗ và than bùn. Hơi nước làm nóng lên, mai rùa sẽ phát tiếng vỡ, gọi là “quy ngữ”, sau đó sẽ nứt ra, người bói căn cứ vào những vết nứt ấy là ngọc triệu (vết rất nhỏ), ngõa triệu (vết hơi lớn) hay nguyên triệu (vết rất lớn) để đoán cát hung. Có đến 1.200 bài tụng từ để đoán tất cả những vết biến đổi trên mai rùa.
Đại khái là những vết nứt nếu chạy song song với đường đã vạch trước thì là điềm lành, bị cắt ngang là điềm dữ. Sau khi bói, dùng dây quấn quanh các đường nứt, đặt mai rùa lên hương án mà thờ, ba ngày sau các vết nứt sẽ liền lại. Nếu trong ba ngày mà mai rùa vẫn phát ra tiếng thì xem như “quy ngữ” chưa hết, phải đem ra bói lại.
Sau này người ta đơn giản hóa, đem mai rùa hơ lửa rồi mới phết mực, sau đó chùi đi, chỗ mai nứt ra dẽ uống mực, nếu được những đường thật đậm, thật rõ là điềm tốt, nét nứt mờ tức là điềm xấu...
Luận thuyết thiên trị “Hồng Phạm Cửu trù” được xem là luận thuyết thiên trị cổ nhất thế giới vì hoàn thành từ thời vua Đại Vũ (2205-1197 trước Công nguyên) bao gồm 9 nguyên tắc trị dân (Cửu trù) của bậc thiên tử, trong đó ở nguyên tắc thứ 7, chương Kê nghi nói rằng: Bậc thiên tử phải nghiên cứu các điều ngờ vực; cử người chuyên lo bốc quy và phệ thi để thỉnh ý Trời. Khi gặp việc hệ trọng, vua phải đắn đo suy nghĩ, sau đó bàn với khanh sĩ, dân chúng, nếu vẫn chưa quyết thì phải thành tâm bói. Thường ba người cùng bói, sau đó tuân theo lời đoán của hai người giống nhau. - Việc mà vua thuận, quẻ bói thuận, khanh sĩ, thứ dân thuận thì là đại đồng, cực tốt. - Việc vua thuận, quẻ bói thuận thì dù khanh sĩ, thứ dân nghịch vẫn tốt. - Việc mà vua và khanh sĩ nghịch, nhưng quẻ bói và thứ dân thuận cũng tốt. - Việc mà vua và quẻ bói thuận, khanh sĩ và thứ dân nghịch thì tốt nếu là việc bên trong, xấu nếu là việc bên ngoài. - Nếu quẻ bói nghịch với ý mình thì tốt nhất là khoan hành động. Bậc thiên tử hành động như thế thì dân chúng sẽ hết lòng tin tưởng vì thấy vua kính sợ Trời, vâng mệnh Trời; coi trọng ý quần thần, thứ dân; không cẩu thả hay độc đoán, nhờ đó mà mọi việc đều vừa ý dân, thuận lòng Trời. |
Bình luận (0)