INEC (Ủy ban Bầu cử quốc gia độc lập) Nigeria đã chính thức loan báo như trên vào đêm 7-2 “trong khi chờ đợi 5 nước láng giềng - Benin, Cameroon, Niger, Nigeria và Chad - gửi 8.750 quân qua tiêu diệt Boko Haram”. Việc trì hoãn này thật ra còn có một nguyên do khác: 24,8 triệu trong số 68,8 triệu cử tri chưa được phát thẻ. Hầu hết những cử tri này sống trong vùng kiểm soát của Boko Haram thuộc Đông Bắc Nigeria. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là mối đe dọa mang tên Boko Haram. Tổ chức khủng bố này tuyên bố sẽ cho chiến binh đánh bom tự sát các điểm bỏ phiếu, biến cuộc bầu cử tổng thống và Quốc hội Nigeria thành một cuộc tắm máu.
Tổ chức khủng bố cần loại trừ
Mục tiêu của Boko Haram là lật đổ chính quyền dân cử, thành lập một nhà nước Hồi giáo ở Nigeria. Tên đầy đủ của tổ chức này bằng tiếng Ả Rập là “Jama’atu Ahlis Sunna Lidda’Awati Wal-Jihad” (Nhóm người Sunni vì sự truyền giáo và thánh chiến). Tên dài, khó nhớ nên người dân Maiduguri - thủ phủ bang Borno ở Đông Bắc Nigeria, nơi ra đời phong trào Hồi giáo cực đoan này - thường dùng cụm từ Boko Haram để gọi.
Theo phương ngữ Hausa, nghĩa đen của từ “Boko” là giả và nghĩa bóng của nó là giáo dục phương Tây. “Haram” là điều cấm trong kinh Koran. Do đó, Boko Haram được diễn giải “Giáo dục phương Tây là tội lỗi”. Trên thực tế, Boko Haram cấm người Hồi giáo tham gia các hoạt động chính trị hoặc xã hội liên quan đến phương Tây, ví dụ đi bầu cử, mặc âu phục và đi học ở bất cứ trường nào khác ngoài trường Hồi giáo. Boko Haram không công nhận thuyết tiến hóa, cho rằng nói trái đất tròn như quả bóng hay mưa được tạo ra do nước bốc hơi bởi ánh nắng mặt trời là “trái với đạo lý”.
Boko Haram do Mohammad Yusuf, một người Nigeria học thần học ở Ả Rập Saudi, sáng lập năm 2002 trên cơ sở một học thuyết bắt nguồn từ Hồi giáo phái Sunni tại Afghanistan. Theo TS Marc-Antoine Pérouse de Montclos thuộc Viện Nghiên cứu vì sự phát triển (IRD, Pháp), Boko Haram ban đầu là một giáo phái với một số tín đồ mang bùa hộ mệnh. Boko Haram trở thành phong trào nổi dậy có vũ trang từ năm 2009 - năm Yusuf bị cảnh sát Nigeria bắt giữ và chết mờ ám trong trại tạm giam.
Sau khi Abubakar Shekau thay thế Yusuf lên nắm quyền lãnh đạo Boko Haram, tay này công khai ủng hộ Abubakar al-Baghdadi, thủ lĩnh IS (Nhà nước Hồi giáo tự xưng) và Mollah Omar, thủ lĩnh Taliban, trong một tuyên bố ngày 13-7-2014. Động thái này được coi là nhằm kiếm thêm vây cánh và dễ tuyển mộ tín đồ.
Boko Haram lúc đầu giới hạn cuộc thánh chiến ở Nigeria, nước có trữ lượng dầu khí lớn nhất và đông dân nhất (174 triệu người) châu Phi. Tuy vậy, sau khi Shekau tuyên bố sẽ tái chiếm lãnh thổ xưa của “Vương quốc Hồi giáo Sokoto” (ngày 5-1-2015) - bao gồm Nigeria, Cameroon, Chad và Niger - thì nó trở thành mối đe dọa nghiêm trọng cho các nước này. Đồng thời, nó có thể làm mất ổn định toàn khu vực châu Phi, giống như IS đang làm ở Trung Đông. Nguy hiểm như vậy nên đã có 7 nước và tổ chức quốc tế, gồm cả Liên Hiệp Quốc và Mỹ, xếp Boko Haram vào danh sách tổ chức khủng bố cần loại trừ.
Manh động và man rợ
Theo ông Mathieu Guidère, chuyên gia về đạo Hồi và các phong trào Hồi giáo, Boko Haram đang biến thành một tổ chức hỗn hợp: Giống Al-Qaeda ở học thuyết, chiến lược thông tin (ra tuyên bố bằng video clip) và IS ở hành động man rợ (tàn sát cả làng vì nghi ngờ hợp tác với chính quyền, chặt đầu, thiêu sống…).
Dù quân số không đông, khoảng 10.000 tên nhưng Boko Haram đã giết khoảng 10.000 thường dân trong năm 2014, so với 2.000 người trong 4 năm trước, theo Hội đồng Ngoại vụ Mỹ. “Thành tích” này vượt xa IS về mặt số lượng và mức độ tàn ác. Khiếp sợ Boko Haram, tính đến cuối năm vừa qua, hơn 1,5 triệu người sống trong vùng chiến sự đã phải chạy giặc, bỏ lại nhà cửa, vườn tược; riêng tháng 8-2014 là hơn 650.000 người.
Ngoài chuyện tàn sát dân lành, Boko Haram còn khét tiếng với những vụ bắt cóc tống tiền, nhất là người nước ngoài. Đây là một phương thức để bổ sung nguồn tài chính nuôi dưỡng bộ máy. Trong một vụ án điển hình, ngày 19-3-2013, Boko Haram bắt cóc một gia đình 7 người Pháp tại Công viên quốc gia ở miền Bắc Cameroon. Chủ gia đình này là một cán bộ quản lý cấp cao của tập đoàn năng lượng Pháp GDF Suez.
Bọn bắt cóc đòi đổi gia đình này lấy tù binh Boko Haram cùng vợ con bị giam giữ ở Cameroon và Nigeria. Sau khi Chính phủ Cameroon thương lượng với Boko Haram, 7 con tin Pháp được trả tự do ngày 19-4-2013 đổi lấy 12 tù binh Boko Haram kèm một số tiền chuộc lên đến 7 triệu USD, theo nguồn tin riêng của đài truyền hình Pháp iTélé. Song, Thủ tướng Pháp và tập đoàn GDF Suez đã bác bỏ tin đồn trả tiền chuộc.
Kỳ tới: Nhân vật bí ẩn Abubakar Shekau
219 nữ sinh biệt tích
Vụ bắt cóc đình đám nhất của Boko Haram xảy ra đêm 14 rạng sáng 15-4-2014. Cảnh sát Nigeria cho hay 276 nữ sinh một trường trung học công lập ở thị trấn Chibok, bang Borno đang thi môn lý học kỳ cuối thì bị phiến quân giả dạng bảo vệ vào bắt đi. Nửa tháng sau, 57 nữ sinh trốn thoát. 219 em còn lại là tín hữu Ki-tô giáo nghe đâu được đưa qua Chad và Cameroon, nơi Boko Haram lập sào huyệt, rồi biệt tích đến nay. Vụ bắt cóc có quy mô lớn chưa từng thấy này làm Boko Haram nổi tiếng khắp thế giới.
Hy vọng từng được nhen nhóm khi quân đội Nigeria tuyên bố chính phủ và Boko Haram đã đạt được thỏa thuận ngưng bắn vào tháng 9-2014. Tất cả con tin nữ sinh đã được thả và đang tạm trú trong doanh trại quân đội. Tuy nhiên, Abubakar Shekau thông báo không hề có thỏa thuận ngưng bắn nào và tất cả nữ sinh bị bắt đã được gả cho chiến binh thánh chiến hoặc bán cho con buôn nô lệ. Vụ bê bối này khiến tổng thống sắp mãn nhiệm Goodluck Jonathan bị chỉ trích trong và ngoài nước là dùng chiêu bài con tin nữ sinh để kiếm phiếu trong cuộc bầu cử sắp tới.
Bình luận (0)