xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Bom nợ" Evergrande đe dọa kinh tế Trung Quốc

Cao Lực

Khủng hoảng Evergrande làm gia tăng nỗi lo về việc thị trường bất động sản thương mại và dân cư Trung Quốc, một trong những trụ cột của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, có thể sụp đổ

Từng là tập đoàn bất động sản (BĐS) phát đạt nhất Trung Quốc nhưng Evergrande giờ đây đối mặt với nguy cơ sụp đổ vì khoản nợ khổng lồ lên đến hơn 300 tỉ USD.

Vay mượn chẳng chừa một ai

Nhà phân tích Matt Levine của Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) khẳng định điều đáng chú ý nhất trong khủng hoảng nợ của Evergrande không phải là quy mô mà là mức độ "đa dạng".

Tập đoàn này vay mượn "của mọi người", từ ngân hàng Trung Quốc, quỹ đầu cơ nước ngoài, các nhà đầu tư ngoại quốc đến giới đầu tư bán lẻ trong nước, các nhà cung cấp vật liệu xây dựng và... nhân viên.

Chưa hết, Evergrande còn nợ 1,6 triệu căn hộ với những người đã đặt cọc tiền mua nhà và chưa biết tập đoàn này sẽ thực hiện cam kết bàn giao như thế nào.

Giới chuyên gia cho rằng tham vọng thái quá chính là nguyên nhân hàng đầu khiến Evergrande rơi vào cảnh nợ nần như hiện tại.

Theo nhà phân tích Mattie Bekink của Cơ quan Nghiên cứu kinh tế Economist Intelligence Unit (trụ sở London - Anh), tập đoàn này đã "đi lạc quá xa ra khỏi lĩnh vực kinh doanh cốt lõi" khi liên tục vay mượn để theo đuổi mục tiêu trên nhiều lĩnh vực khác nhau, gồm thể thao, xe điện và du lịch.

Bom nợ Evergrande đe dọa kinh tế Trung Quốc - Ảnh 1.

Một dự án chưa hoàn thiện của Tập đoàn Evergrande ở TP Tô Châu, tỉnh Giang Tô - Trung Quốc hôm 23-9. Ảnh: REUTERS

Rủi ro ở đây không chỉ gói gọn trong số phận của một tập đoàn: "Bom nợ" Evergrande làm gia tăng nỗi lo về việc thị trường BĐS thương mại và dân cư Trung Quốc, một trong những trụ cột của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, có thể sụp đổ. Sự hoảng loạn này đã gây ra phản ứng dây chuyền toàn cầu vào ngày 20-9, khiến thị trường chứng khoán thế giới chao đảo.

Theo báo The New York Times, khủng hoảng Evergrande đã cho thấy những vết nứt trong thị trường BĐS Trung Quốc.

Suốt nhiều thập kỷ, thị trường BĐS Trung Quốc dường như không có giới hạn. Những nhà phát triển như Evergrande xây dựng thành phố từ cát bụi, tạo công ăn việc làm, phát triển công trình để tầng lớp trung lưu đổ tiền tiết kiệm vào và làm giàu cho những chính quyền địa phương bán đất cho họ. Xuyên suốt hành trình này, họ đã góp phần tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế khiến thế giới phải sửng sốt.

Giờ đây, khi giá nhà đã tăng lên mức quá cao, Bắc Kinh ra sức để kìm hãm tốc độ cũng như để gửi một thông điệp rằng "chẳng có tập đoàn nào là lớn đến mức không thể sụp đổ". Vấn đề của Evergrande bắt nguồn từ những hạn chế mới nhằm vào giao dịch BĐS do Bắc Kinh áp đặt để giải quyết nỗi lo gia tăng liên quan đến giá nhà ở.

Quy tắc "3 lằn ranh đỏ"

Nguy cơ vỡ nợ của một tập đoàn đồ sộ như Evergrande cho thấy mức độ mong manh của thị trường nhà ở Trung Quốc. Nếu Evergrande sụp đổ, theo một vài chuyên gia, hoảng loạn có thể bao trùm toàn bộ lĩnh vực BĐS của quốc gia này - kể cả BĐS công nghiệp và thương mại, khiến nỗ lực kiểm soát tình hình của Bắc Kinh thêm phần khó khăn.

Trung Quốc đang đối mặt với 2 lựa chọn tồi tệ liên quan đến khủng hoảng Evergrande. Giới lập pháp có thể can thiệp và buộc ngân hàng nhà nước bơm tiền để tập đoàn này trả nợ cho các nhà cung cấp, công nhân xây dựng, người mua nhà và nhân viên...

Nhưng làm như vậy, Bắc Kinh không thể răn đe những tập đoàn BĐS khác. Họ sẽ lại tiếp tục lao vào con đường nợ nần, khiến bong bóng BĐS phình to hơn - điều mà Bắc Kinh không muốn dung thứ.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng có thể bỏ mặc để Evergrande vỡ nợ. Tuy nhiên, theo chuyên gia Michael Pettis của Trường ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc), họ sẽ không làm vậy, bởi cái chết của Evergrande có thể khiến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sụp đổ.

Tương tự Evergrande, những tập đoàn BĐS khác của Trung Quốc cũng đang nợ đầm đìa và bị giới lập pháp nước này buộc phải trả nợ theo quy tắc "3 lằn ranh đỏ" nhằm hạn chế rủi ro đối với hệ thống ngân hàng.

Evergrande đã giải quyết khoản nợ trị giá 35,9 triệu USD vào tuần này nhưng vẫn còn khoản lãi trái phiếu 83,5 triệu USD đến hạn vào ngày 23-9, bên cạnh khoản lãi trái phiếu 47,5 triệu USD đến hạn vào ngày 29-9. Hai loại trái phiếu này sẽ vỡ nợ nếu Evergrande không trả được tiền lãi trong vòng 30 ngày kể từ hạn thanh toán. 

Theo báo Nikkei Asia, phép thử thực sự đối với khủng hoảng dòng tiền của Evergrande sẽ diễn ra vào năm sau, khi khoản nợ 7,6 tỉ USD trên 6 loại trái phiếu đến kỳ đáo hạn. Lợi tức của khoản nợ này đã tăng vọt lên 320%-560%, khiến việc chuyển đổi sang trái phiếu mới trở nên khó khăn.

Một cuộc khủng hoảng tín dụng doanh nghiệp gây ra rắc rối tại các tổ chức tài chính, có khả năng đóng băng dòng tiền vượt ra khỏi lĩnh vực BĐS là một kịch bản mà chính phủ Trung Quốc không hề mong muốn. Tình hình nợ của Evergrande có thể gây ra những rủi ro như vậy, đặc biệt khi họ là cổ đông hàng đầu của Ngân hàng Shengjing có trụ sở tại tỉnh Liêu Ninh. Ngân hàng này sở hữu khối tài sản lên đến 1.000 tỉ nhân dân tệ nhưng vốn chỉ khoảng 80 tỉ nhân dân tệ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo